Ngày 11/6, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay vừa nhận được văn bản do Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình ký ngày 8/6, báo cáo về tình hình hoạt động kinh doanh lữ hành khai thác khách thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc trong 6 tháng đầu năm 2018.
Du khách Hàn Quốc chụp ảnh lưu niệm tại điểm đến Nhà thờ Chánh tòa Đà Nẵng (Ảnh: HC) |
Theo đó, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng bằng đường hàng không tiếp tục tăng nhanh. Đến nay đã có 29 đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng, trong đó có 16 đường bay từ Trung Quốc với tần suất 79 chuyến/tuần và 04 đường bay từ Hàn Quốc với tần suất 127 chuyến/tuần. Bên cạnh đó, lượng khách tàu biển đến Đà Nẵng, chủ yếu khách quốc tịch Trung Quốc, cũng tiếp tục tăng trưởng với nhiều tàu có sức chứa 3.500 – 4.500 khách.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng lượng khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng ước đạt 4,002 triệu lượt, tăng 29,4% so cùng kỳ 2017; trong đó khách quốc tế ước đạt 1,61 triệu lượt, tăng 47,1%. Riêng khách Hàn Quốc ước đạt hơn 800.000 lượt, tăng 101%, chiếm tỉ lệ 50% trong cơ cấu quốc tịch khách; khách Trung Quốc ước đạt hơn 368.000 lượt, tăng 36%, chiếm 23% trong cơ cấu quốc tịch khách. Dự kiến năm 2018, lượng khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng tăng từ 60 – 80%, khách Trung Quốc tăng 20 – 30%.
Trước đó, như báo điện tử Infonet đã đưa tin, UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản giao Sở Du lịch sớm triển khai rà soát, báo cáo thực trạng hoạt động của các tour du lịch giá rẻ (“tour không đồng”) trên địa bàn. Qua đó có nhận định, đánh giá tác động của loại hình kinh doanh du lịch này đối với kinh tế TP, cụ thể là chất lượng dịch vụ, mức độ hài lòng của du khách, nguồn thu nhập của địa phương, công tác quản lý nhà nước... Đồng thời tham mưu các giải pháp quản lý loại hình du lịch này, báo cáo UBND TP chậm nhất vào cuối tháng 6/2018.
Báo cáo của Sở Du lịch Đà Nẵng xác nhận: “Thời gian qua, với sự tăng trưởng nóng của thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc, việc kinh doanh tour giá rẻ đã phát sinh một số vấn đề bất cập, đồng thời là tình trạng chung của các điểm đến tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt hiện nay”.
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, tình hình nêu trên đã làm bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế trong hoạt động kinh doanh lữ hành trên địa bàn. Các doanh nghiệp lữ hành tại Đà Nẵng quy mô nhỏ, năng lực tài chính còn hạn chế, chưa đủ sức vươn tầm khai thác khách từ các thị trường quốc tế nên chịu sự ép giá, điều hành và chi phối nguồn khách từ các đối tác nước ngoài.
“Thêm vào đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số doanh nghiệp lữ hành còn hạn chế, cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá dẫn đến giảm sút chất lượng dịch vụ. Một số công ty có dấu hiệu tiếp tay cho người nước ngoài kinh doanh du lịch trái pháp luật.
Một số doanh nghiệp thành lập nhiều địa điểm kinh doanh và chi nhánh, không thực hiện thông báo theo quy định nhằm đối phó với cơ quan chức năng, sử dụng người nước ngoài hoạt động kinh doanh trái phép, gây khó khăn trong công tác quản lý!
Trong khi đó, hoạt động của Hiệp hội Du lịch, Hiệp hội Lữ hành, các Câu lạc bộ khai thác khách thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc còn hạn chế, chưa kết nối được các doanh nghiệp để đảm bảo môi trường du lịch” – Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình nêu rõ.
Được biết, từ ngày 1/1 đến 30/52018, Thanh tra Sở Du lịch Đà Nẵng đã chủ trì, phối hợp với Công an TP và các địa phương tiến hành hơn 90 lượt kiểm tra, ban hành 20 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 146,7 triệu đồng.
Trong đó kiểm tra, xử phạt 04 triệu đồng đối với 01 trường hợp vi phạm hoạt động kinh doanh lữ hành; kiểm tra, phát hiện, xử phạt 05 người nước ngoài có dấu hiệu vi phạm hướng dẫn du lịch trái phép (01 người Trung Quốc, 04 người Hàn Quốc) với tổng số tiền 90 triệu đồng; xử phạt 13 trường hợp vi phạm hoạt động hướng dẫn du lịch tại khu điểm với số tiền 46,7 triệu đồng.
Tuy thế, Sở Du lịch Đà Nẵng thừa nhận công tác quản lý nhà nước và phối hợp liên ngành trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế. Sự phối hợp của các Sở, ngành trong công tác quản lý hoạt động của người nước ngoài tại doanh nghiệp chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng chưa thực hiện nghiêm túc khai báo tạm, trú, hoạt động trái phép. Một số cơ sở mua sắm buôn bán hàng hóa không rõ xuất xứ, kém chất lượng nhưng bán với giá cao, giao dịch ngoại tệ trái phép, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Theo Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình, quản lý hoạt động kinh doanh du lịch có tính chất liên ngành liên vùng, trong đó ngành du lịch chỉ trực tiếp quản lý doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, khách sạn… Đối với hoạt động kinh doanh tại các nhà hàng, cơ sở mua sắm và hoạt động của người nước ngoài thuộc phạm vi quản lý của các ngành thuế, công thương, công an, chính quyền địa phương…
Trong khi đó, các quận, huyện thiếu cán bộ chuyên trách, chuyên môn làm công tác du lịch, chưa thông thạo ngoại ngữ nên gặp khó khăn trong việc tham mưu công tác quản lý. Một số lĩnh vực chưa có chế định cụ thể, dẫn đến việc xử lý chưa tạo được sự răn đe cao đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Tác giả: HẢI CHÂU
Nguồn tin: Báo Infonet