Giáo dục

Công bố kết quả Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2023-2024 được tổ chức vào các ngày 5 và 6/1/2024.

Cả nước có 5.812 thí sinh đến từ 70 đơn vị tham gia dự thi ở 12 môn thi: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp và Tiếng Trung Quốc.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2023-2024 được tổ chức vào các ngày 5 và 6/1/2024.

Hội đồng chấm thi đã chọn được 3.359 thí sinh đạt giải chiếm 55.79%. So với năm học 2022-2023, số lượng thí sinh tham gia dự thi là 4.589 thí sinh; có 2.283 thí sinh đạt giải, chiếm tỷ lệ 49,75%.

Theo quy định của Quy chế thi mới được ban hành từ ngày 10/10/2023, được áp dụng từ Kỳ thi năm nay: tổng số giải, từ Khuyến khích trở lên, không vượt quá 60% số thí sinh dự thi; trong đó, tổng số giải Nhất, Nhì, Ba không vượt quá 60% tổng số giải, số giải Nhất không vượt quá 5% tổng số giải.

Công tác chấm thi đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức theo đúng quy định của Quy chế thi bảo đảm yêu cầu an toàn, nghiêm túc, chính xác, khách quan, công bằng.

Theo quy định của Quy chế thi, trong vòng 15 ngày kể từ ngày công bố kết quả thí sinh được quyền đề nghị phúc khảo bài thi. Cũng từ năm nay, bên cạnh việc cấp giấy chứng nhận cho các học sinh đoạt giải, các học sinh còn lại cũng được ghi nhận bằng giấy chứng nhận đã tham dự kỳ thi.

Quy định về số học sinh đạt giải năm nay tăng lên 10% so với năm ngoái đã động viên, khuyến khích học sinh nỗ lực học tập và rèn luyện.

Kết quả chấm thi và xếp giải cho thấy số học sinh đạt giải năm nay đã phủ đều ở tất cả các địa phương trên cả nước. Một số địa phương miền núi, biên giới, có điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn nhưng bắt đầu đã có những học sinh đạt thứ hạng cao nhất trong kỳ thi.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia nhằm động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi; góp phần thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục; đồng thời, phát hiện người học có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước.

Theo kế hoạch, tháng 3/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức Kỳ thi chọn học sinh THPT vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2024, đối với các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Tin học.

Về kỳ thi học sinh giỏi, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2023, TP.Hà Nội tiếp tục vươn lên dẫn đầu về số lượng thí sinh đạt giải với 141 em, tiếp đến là Nghệ An (87), Vĩnh Phúc (79), Hải Phòng (76), Nam Định (73), Hải Dương (71), Bắc Ninh (69), Hà Tĩnh (69), Đại học Quốc gia Hà Nội (64), Thừa Thiên Huế (62), Thanh Hóa (61).

Như vậy so với năm 2022, Hà Nội vẫn là địa phương duy trì được vị trí đầu bảng. Nghệ An từ vị trí thứ 4 (năm 2022) đã vươn lên là địa phương thứ 2 có nhiều giải thưởng nhất trong kỳ thi năm nay.

Cụ thể, thứ tự lần lượt đơn vị dẫn đầu năm 2022 là: Hà Nội (125), Hải Phòng (85), Hải Dương (82), Nghệ An (79), Đại học Quốc gia Hà Nội (76), Hà Tĩnh (74), Nam Định (68), Bắc Ninh (67), Bắc Giang (66), TP.HCM (66).

Là đơn vị giành được nhiều giải thưởng nhất, Hà Nội cũng là địa phương ghi danh ở vị trí địa phương có số lượng giải Nhất nhiều nhất (13), tiếp theo là Đại học Quốc gia Hà Nội (9), Hà Tĩnh (8), Nghệ An (7), Hà Nam (6) và 3 tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang có cùng 5 giải Nhất.

Như vậy, nếu không tính các trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học, thì Hà Nội, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang là những địa phương nằm trong top 5 các tỉnh, thành trên cả nước về số lượng giải Nhất.

Theo quy chế mới, hàng năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hai kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, gồm: Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông và kỳ thi chọn học sinh trung học phổ thông vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, khu vực (gọi tắt là kỳ thi chọn đội tuyển Olympic).

Về số lượng thí sinh dự thi, đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, mỗi đơn vị dự thi được đăng ký tối đa là 10 thí sinh; riêng TP.HCM và Hà Nội được đăng ký tối đa 20 thí sinh cho mỗi đội tuyển.

Đối với kỳ thi chọn đội tuyển Olympic, số lượng thí sinh dự thi mỗi môn hằng năm do Bộ Giáo dục và Đào tạo triệu tập. Mỗi thí sinh chỉ được phép tham dự một môn thi trong một năm học.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia có hai buổi thi đối với các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học và các môn Ngoại ngữ; có một buổi thi đối với các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí; thời gian làm bài thi là 180 phút.

Môn Tin học thi theo hình thức lập trình trên máy vi tính; các môn khác thi theo hình thức viết trên giấy; các môn Ngoại ngữ có thêm hình thức thi nói, thí sinh có 5 phút chuẩn bị và 5 phút để ghi âm.

Kỳ thi chọn đội tuyển Olympic có hai buổi thi đối với mỗi môn thi; riêng các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học có thêm một buổi thi thực hành.

Thời gian làm bài thi với môn Tin học là 300 phút/bài thi, môn Toán là 270 phút/bài thi, các môn còn lại là 240 phút/bài thi. Thời gian thi thực hành là 180 phút.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng tỷ lệ giải của kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia bảo đảm phù hợp với quy định của các kỳ Olympic khu vực và quốc tế.

Theo đó, có 60% đạt giải từ giải Khuyến khích trở lên (những năm trước là 50%); trong đó, tổng số giải Nhất, Nhì, Ba không vượt quá 60% tổng số giải, số giải Nhất không vượt quá 5% tổng số giải.

Các thí sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia trung học phổ thông nhưng không đoạt giải sẽ được cấp Giấy chứng nhận tham gia kỳ thi. Điều này giúp các em có được thông tin lưu giữ lâu dài cho cá nhân về việc đã tham gia kỳ thi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, đồng thời, nâng cao trách nhiệm chuyên môn của các chuyên gia khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên các học viện, viện nghiên cứu, các đại học, trường đại học và giáo viên trường trung học phổ thông tham gia tổ chức thi.

Quy chế mới cũng bổ sung các quy định liên quan đến vận chuyển đề thi để khi cần thiết triển khai vận chuyển đề thi qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ và hình thức thi trên máy vi tính kết nối mạng cục bộ/nội bộ đối với môn Tin học; cần linh hoạt trong quy định địa điểm tổ chức thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế.

Tác giả: D.Ngân

Nguồn tin: Báo Đầu tư

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP