Giáo dục

Công bố điểm thi có xâm phạm bí mật cá nhân?

Điểm thi được coi là bí mật cá nhân của trẻ, vậy hiểu thế nào về việc công bố công khai điểm thi trên mạng.

Chị Chu Thị Ngọc ở Hà Nội cho con tham gia một số cuộc thi tài năng trẻ em với mong muốn bé tự tin, năng động. Song trong một lần tham gia, ban tổ chức công bố kết quả trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh đã có bình luận so sánh về giải thưởng, chị Ngọc nhận thấy có những lời đánh giá vô tình gây tổn thương đến những đứa trẻ đoạt giải, trong đó có con mình.

Chị Ngọc nghĩ tới Luật trẻ em và tìm hiểu. Chị bất ngờ khi biết điều 33 Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em, có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 nêu rõ "thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em" thuộc về bí mật cá nhân của trẻ. Điều 36 còn quy định cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ bảy tuổi trở lên, có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.

Sau khi tìm hiểu luật, chị Ngọc rất băn khoăn. Chị chia sẻ tâm tư lên một diễn đàn nhưng lại nhận được các quan điểm không đồng nhất với mình. Có phụ huynh cho rằng không nên công bố điểm thi hay hình ảnh, thông tin của trẻ ở bất cứ cuộc thi nào. Song nhiều người ủng hộ việc công khai kết quả các cuộc thi, đặc biệt là điểm thi tại các trường học.

Công bố điểm thi là minh bạch trong giáo dục

Nhìn nhận về vấn đề này theo khía cạnh pháp lý, luật sư Vũ Tiến Vinh phân tích theo Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.

Theo luật sư Vinh, những quy định nói trên là hiển nhiên, phù hợp với chuẩn mực chung của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, đối với kết quả kiểm tra, thi cử có được xếp danh mục thuộc bí mật cá nhân hay không thì thực sự chưa rõ ràng.

Các văn bản hướng dẫn về quy định này từ những Bộ luật Dân sự năm 1995, 2005 cũng chưa có, cũng chưa có vụ việc tranh chấp nào liên quan đến vấn đề này được tòa án thụ lý, giải quyết. Do vậy, cả hai phương diện là lý thuyết và thực tiễn thì đều chưa rõ ràng.

Luật sư cho biết nhìn rộng ra các nước thì cũng thấy nhiều nước quy định phải công bố công khai, nhưng cũng nhiều nước lại cấm. Ở Việt Nam, việc công bố công khai kết quả thi cử có từ thời phong kiến và được duy trì cho đến ngày nay. Mọi người mặc nhiên thừa nhận hiện tượng, chỉ có một số ít phản biện rằng cách làm này có đúng không, có nên không?

Luật sư Vinh nói “bí mật” là điều cần giữ kín trong phạm vi một số ít người, không để lộ cho người ngoài biết. Những gì mà bản thân người nắm giữ nó nếu không công bố ra bên ngoài thì người khác không thể biết. Nếu người khác vẫn biết ngay cả khi người trong cuộc không có hành động công bố nào thì khó có thể gọi là bí mật. Xét trên tiêu chí này có thể thấy để kết quả đến được với thí sinh thì nhiều người đã biết.

Trên phương diện xã hội, bất kỳ cuộc thi mang tính cộng đồng (thi ca hát, thi hoa hậu, thi tuyển công chức...) hay thậm chí là bầu cử thì kết quả cũng được công bố công khai. Người thắng thì vui vẻ, người thua thì ngậm ngùi nhưng không thể nói việc công bố công khai là đã tiết lộ bí mật đời tư, người thua bị xúc phạm khi thông tin của họ bị công khai. Ban tổ chức nói chung, người trực tiếp công bố nói riêng đều không nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người có kết quả được công bố. Điều này như một "luật chơi" đối với các thành viên tham dự.

"Nhìn nhận ở góc độ khác, không lẽ kết quả học tập của mỗi học sinh trong lớp cũng phải được thầy cô giáo giữ bí mật? Nếu để các bạn khác biết thì thầy cô cũng đã vi phạm về việc tiết lộ bí mật đời tư của học sinh?", luật sư Vinh chia sẻ.

Trên phương diện quản lý nhà nước, theo luật sư, việc công bố công khai là một việc làm mang tính tích cực, góp phần minh bạch hoạt động thi cử, giảm tiêu cực, vi phạm pháp luật. Việc công bố công khai là nhằm hướng tới lợi ích công cộng mà mỗi thí sinh cũng là một cá thể trong cái chung đó. Các thầy cô, nhà trường cũng có thể biết được kết quả của học trò để có những điều chỉnh trong giáo dục nhằm đạt kết quả tốt hơn.

"Do vậy, ở điều kiện xã hội của chúng ta hiện nay, việc công bố công khai kết quả thi cử là cần thiết, nhằm phục vụ lợi ích của số đông", luật sư Vinh nói và cho rằng chỉ khi điều kiện, hoàn cảnh xã hội có sự thay đổi, việc công bố kết quả thi cử không đáp ứng được nhiệm vụ bảo vệ lợi ích công thì khi đó việc hạn chế hay cấm công bố công khai mới được đặt ra.

Điều 38 Bộ Luật Dân sự 2015: Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, gia đình

1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Tác giả: Bảo Hà

Nguồn tin: Báo VnExpress

  Từ khóa: điểm thi , Công bố

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP