Giáo dục

Cơ sở vật chất nội trú để không, học sinh miền núi phải đi ở trọ

Trường THPT Tương Dương 1 (Nghệ An) trước đây là Trường THPT dân tộc nội trú, bây giờ chuyển thành Trường THPT bình thường nên cơ sở vật chất nội trú trước đây vẫn còn. Thế nhưng thầy cô không có chế độ nội trú nên không thể đưa các em vào ở nội trú được.

Thiệt thòi đủ đường, quản lý học sinh khó khăn

Tỉnh Nghệ An hiện đang trong quá trình xóa bỏ hệ thống trường Dân tộc Nội trú (DTNT) THPT theo đề án của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, nếu thực hiện việc này thì trên thực tế, hàng nghìn học sinh ở các huyện miền núi ở Nghệ An sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thiệt thòi.

Điều đáng bàn hơn, trong khi học sinh không có chỗ ở, việc xóa bỏ nội trú đã dẫn tới toàn bộ cơ sở vật chất đã được Nhà nước đầu tư trước đây như: khu ký túc xá, phòng ở, giường ngủ... bây giờ lại bỏ không, vô cùng lãng phí. Những khó khăn và bất cập này là thực tế đã diễn ra suốt 4 năm qua, kể từ khi tỉnh Nghệ An xóa bỏ hình thức nội trú ở các Trường THPT tại các huyện miền núi vùng cao.

Về vấn đề này thầy Lương Văn Nghệ - Hiệu trưởng Trường THPT Tương Dương 1 chia sẻ: “Như trường chúng tôi đây trước đây là Trường THPT dân tộc nội trú. Nhưng bây giờ chuyển thành Trường THPT bình thường thế nên cơ sở vật chất nội trú trước đây vẫn còn. Ví dụ như nhà ở, nhà ăn vẫn còn đó, thế nhưng thầy cô không có chế độ nội trú nên không thể đưa các em vào ở nội trú được. Để sử dụng cơ sở vật chất này khỏi lãng phí, tôi đề nghị và mong muốn các cấp, đặc biệt là Bộ GD&ĐT làm thế nào đó có thể có chế độ cho các Trường THPT miền núi được “hoạt động” trở lại”.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hạnh - Hiệu trưởng Trường THPT Tương Dương 2 đến thăm các em học sinh của mình. Trong khu nhà trọ nhỏ này nhưng có tới 6 em ở chung.

Theo Thông tư số 01/2016 của Bộ GD&ĐT, tại mục 1 - Điều 4 quy định: “Các huyện miền núi, hải đảo, vùng dân tộc chỉ thành lập hệ thống Trường phổ thông dân tộc nội trú cấp trung học cơ sở”. Và mục 2 cũng tại điều này có thêm quy định: “Trong trường hợp cần thiết, để tạo nguồn cán bộ là con em các dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Ủy ban nhân dân tỉnh có thể giao cho trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện đào tạo cả cấp THPT”.

Như vậy, ở tỉnh Nghệ An việc xóa bỏ loại hình Trường THPT nội trú đã được thực hiện từ năm 2013. Tuy nhiên, đến nay theo đối chiếu tại mục 2 Điều 4 vẫn chưa được thực hiện. Vì thế, hàng nghìn học sinh ở 11 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay đang rất thiệt thòi.

Trong tổng số 656 học sinh dân tộc thiểu số, thì có hơn 400 em chủ yếu ở vùng sâu vùng xa có nhu cầu ăn ở nội trú để học tập. Thế nhưng từ năm 2013 - 2014 đến nay nhiều trường đã chuyển từ THPT bán trú trở về Trường THPT bình thường.

Những khu nhà trọ nhếch nhác, tuềnh toàng... đây chính là nơi ăn ở, học tập của các em trong suốt 3 năm học cấp 3

“Từ trường nội trú chuyển sang bình thường kéo theo đó là các chế độ nội trú không còn nữa, vì vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến học tập của học sinh, đặc biệt là học sinh vùng sâu vùng xa. Bản thân các em phải trọ học ở bên ngoài gây ra khó khăn trong công tác quản lý học sinh của nhà trường”, thầy Nguyễn Văn Hải - Phó hiệu trưởng Trường THPT Con Cuông cho biết.

Bỏ nội trú, không chỉ các em học sinh thiệt thòi mà về phía các thầy cô cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bởi không có chế độ nội trú như trước đây nhưng vẫn phải thực hiện công tác quản lý học sinh. Xung quanh vấn đề này, cô giáo Phạm Thị Minh Thúy - Trường THPT Tương Dương 1 cho biết: “Khi nhà trường bị cắt bỏ chế độ nội trú thì tất cả các giáo viên trong trường không có chế độ phụ cấp; giáo viên không có một chế độ gì, phải tự túc… Nhiều khi chúng tôi còn phải bỏ tiền lương mình ra để giúp cho các em ở trọ và cả sinh hoạt”.

Rõ ràng, từ những khó khăn trong quá trình thực thi chính sách đối với giáo dục vùng dân tộc thiểu số, có thể thấy việc xóa bỏ loại hình nội trú hệ thống Trường THPT còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập.

Toàn bộ cơ sở vật chất KTX phục vụ cho nội trú như phòng ở, giường ngủ, nhà ăn... hiện nay đều bỏ không, vô cùng lãng phí.

Được biết, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An có 11 huyện miền núi, bình quân mỗi năm có khoảng 6.500 - 7.000 học sinh vào lớp 10. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh của cả 2 Trường dân tộc nội trú THPT tỉnh (trường trên địa bàn TP Vinh - PV) chỉ có 11 lớp với khoảng gần 1.000 học sinh/năm. Vì thế, số học sinh còn lại, dù cũng sinh sống tại vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, nhưng lại không may mắn được hưởng chế độ ưu đãi như các em học sinh này.

Mong muốn được trở lại như thuở ban đầu

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: “Theo quy định là phải thực hiện như thế. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT cũng đã thấy được những bất cập này và đang dần dần kiến nghị để xây dựng trường bán trú khối THPT giống như ở các bậc học dưới mà chúng ta đã thực hiện có hiệu quả. Và khi xây dựng được mô hình bán trú này thì sẽ đảm bảo được chế độ cho học sinh cũng như chế độ giáo viên làm công tác quản lý. Và đặc biệt là công tác quản lý học sinh, nhu cầu học tập cho con em ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”.

Những căn phòng trống huơ, trống hoác, chỉ kê mấy tấm ván trải chiếu để làm giường.

Mặc dù Nhà nước đã quan tâm ban hành nhiều chính sách đối với giáo dục, đào tạo vùng dân tộc thiểu số, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể giải quyết được hết những khó khăn của các địa phương. Công tác quản lý giáo dục dân tộc chưa theo kịp với thực tiễn phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Hơn nữa, do công tác tham mưu ban hành một số văn bản chỉ đạo cụ thể chưa kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế, đã dẫn đến những bất cập như hiện nay.

“Huyện Tương Dương có rất nhiều xã vùng sâu vùng xa như: xã Nhôn Mai, Mai Sơn… cách trung tâm huyện đến hơn cả trăm km. Trong những năm vừa qua, học sinh gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức ăn học ở Trường THPT; các cháu phải tự túc mọi thứ, nguyện vọng của huyện muốn ngành giáo dục, muốn các cấp có thẩm quyền tái lập lại hệ thống trường dân tộc nội trú THPT ở các huyện miền núi khó khăn như Tương Dương”, ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương mong muốn.

Cả 2 trường DTNT THPT của tỉnh Nghệ An mỗi năm chỉ tuyển sinh chỉ được khoảng gần 1 nghìn học sinh.

Còn bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cũng kiến nghị: “Chúng tôi mong muốn cấp trên xem xét đưa trường cấp 3 của huyện đưa vào thực hiện theo chế độ bán trú. Như vậy, các giáo viên sẽ có cơ chế hỗ trợ và có sự hỗ trợ nhiều hơn nữa của Nhà nước đối với các trường này, để làm sao các em học sinh đảm bảo việc ăn học, đi lại cũng như của giáo viên. Khi thực hiện chế độ bán trú cho giáo viên tốt thì công tác quản lý học sinh sẽ có hiệu quả hơn...”.

Từ những bất cập nói trên, nên chăng Nhà nước cần điều chỉnh, ban hành chính sách đầu tư trường phổ thông dân tộc bán trú bậc THPT cho vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi đặc biệt khó khăn. Có như vậy, mới tháo gỡ những vướng mắc, bất cập hiện nay, giúp học sinh con em dân tộc thiểu số có điều kiện thuận lợi trong học tập.

Tác giả: Hiến Chương - Nguyễn Duy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP