Sau khi tiếp nhận nguồn tin từ người dân, nhóm PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã lần theo vết lướt của những khúc gỗ kéo đi vào sâu trong tận ranh giới giữa rừng Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Tại đây, chúng tôi đã ghi nhận được cảnh tượng đau lòng khi cánh rừng già chỉ còn lại những đồi trọc. Chứng kiến cảnh tan hoang do bọn “lâm tặc” đã chặt phá từ những cây gỗ quý cuối cùng vừa bị đốn ngã…
Dấu lướt của việc kéo gỗ ra khỏi rừng |
Được biết, tình trạng khai thác vận chuyển gỗ trái phép tràn lan tại các tuyến đường nhánh từ cửa rừng thuộc sự quản lý của hai đơn vị: Quản lý rừng Phòng hộ Nam Hà Tĩnh và Ban quản lý bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đóng trên địa bàn xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
Ngay từ sáng sớm nhóm PV đã được một người dân có kinh nghiệm luồn rừng dẫn đường và cho biết: “Các anh không biết đó thôi, rừng ở đây thật sự không còn gì để bảo vệ nữa”.
Rừng đã bị khai thác thành đồi trọc |
Để vào sâu bên trong cánh rừng, nhóm PV phải rất vất vả mới vượt qua được bởi thời điểm này đang là mùa mưa, đường đi lại trơn tuột.
Quả thật đúng như những gì người dân phản ánh, dọc trên đường xâm nhập vào tận rừng sâu là cảnh cây cối lớn nhỏ bị đốn hạ không thương tiếc, những quả đồi hầu như đã bị xâu xé để lấy gỗ.
Gỗ quý vừa bị khai thác ở vùng khe Cha Rợ |
Trước mắt chúng tôi là khu vực khe Ruột Chó và khe Cha Rợ. Tận mắt chứng kiến cảnh những cây gỗ quý rất lớn (đường kính từ 50 đến 80cm) vừa bị đốn hạ đang đợi đưa về bãi tập kết xóm Phúc Lập sẵn sàng chờ xe đến vận chuyển .
Con đường mòn xuyên qua khu rừng nham nhở vết hằn sâu của trâu kéo gỗ, nhiều gốc cây trơ trọi khi mới bị xẻ, vỏ cây, lá cây vẫn còn tươi xanh.
Khi được hỏi về địa bàn quản lý của khu rừng, ông Lê Khắc Hữu – Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Kỳ Anh cho biết: “Địa bàn từ cửa rừng vào khe Gai đến khe Đẻn thuộc Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ quản lý và trên địa bàn xã Kỳ Thượng có ba trạm cơ bản của Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ chốt: Trạm khe Lá, trạm Cửa Thờ”.
Những cây lớn bị đốn hạ giờ chỉ còn lại gốc trần trụi |
Nhưng khi được hỏi có hay không việc khai thác trái phép lấy gỗ đang diễn ra trên địa bàn thì ông Hữu khẳng định: “Tổng cả trên địa bàn xã Kỳ Thượng có 6 chốt nên các địa bàn từ Khe Gai vào đến Khe Đẻn được kiểm tra gắt gao, thường xuyên nên rừng rất an toàn, trong thời gian qua không có hiện tượng khai thác. Bên Bảo tồn lực lượng đầu tư đến gần 30 chục cán bộ bảo vệ rừng nên cũng cơ bản”.
Điều đáng nói ở đây, tại khu vực khe Cha Rợ, PV chứng kiến thấy giữa rừng xanh mà xuất hiện những cánh cổng kéo ra đóng vào như cánh cổng nhà, phân vân không biết những cánh cổng này dùng để làm gì?
Vấn đề cần được giải đáp ở đây là ngay khi vào qua cửa rừng chúng tôi thấy những con đường giao cắt nhau rộng khoảng 4m và chạy từ quả đồi này sang đồi khác rồi nối ra với đường chính. Không biết những con đường này do con người hay đơn vị nào mở và mở để làm gì?
Trước thực trạng chặt phá rừng diễn ra hết sức nghiêm trọng như vậy, thiết nghĩ chính quyền sở tại đã nắm bắt được việc làm này hay chưa? Hay đang có sự bao che “bật đèn xanh” cho lâm tặc hoành hành?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!
Tác giả: Tùng Nguyễn
Nguồn tin: moitruongvadothi.vn