Giáo dục

Cô bé Mỹ giành kỷ lục Guinness khi leo đỉnh núi cao nhất châu Phi

Montannah Kenney luyện thể lực hàng tháng trời, quyết tâm leo lên đỉnh núi cao để đến gần hơn với người bố đã mất.

Trong kỳ nghỉ xuân năm nay, Montannah Kenney (7 tuổi) đến từ Austin, Texas (Mỹ) đã làm nên lịch sử khi trở thành cô gái nhỏ tuổi nhất leo lên đỉnh Kilimanjaro ở Tanzania, đỉnh núi cao nhất châu Phi. Với sự đồng hành của mẹ, em đã chinh phục độ cao 5.895 m sau sáu ngày rưỡi, theo Bored Panda ngày 16/6.

Montannah Kenney giành kỷ lục Guinness khi hoàn thành chuyến leo lên đỉnh núi cao nhất châu Phi năm 7 tuổi. Ảnh: Hollie Kenney

Mẹ của Kenney, Hollie Kenney, là vận động viên chuyên nghiệp về ba môn phối hợp chạy bộ, bơi và đua xe đạp. Cô trở thành huấn luyện viên leo núi cho con gái.

Trong hàng tháng trời, Kenney tập luyện 4-8 tiếng mỗi cuối tuần và đi bộ những chặng ngắn vào các ngày trong tuần. Trước đây, em từng tham gia bơi lội, chơi bóng rổ và chạy điền kinh, nên đã chuẩn bị kỹ càng về thể lực cho chuyến đi.

Ý tưởng leo núi do chính nữ sinh lớp 2 nghĩ ra và rủ mẹ đi cùng. Mẹ em không tô hồng đích đến mà cảnh báo về những khó khăn cả hai sẽ gặp phải trên đường, nhưng Kenney quyết tâm đạt được mục tiêu. Do độ tuổi hợp pháp để leo lên đỉnh núi là 10, Kenney phải xin một giấy phép đặc biệt trước khi lên đường. Suốt hành trình, em được giúp đỡ bởi một người hướng dẫn và 25 nhân viên hỗ trợ.

Kenney và mẹ ở đích đến. Ảnh: Hollie Kenney

Nỗ lực phi thường giúp Kenney giành kỷ lục Guinness. Tuy nhiên, đó vốn không phải mục đích chính của cô bé dũng cảm.

Kenney giải thích, em muốn leo núi để đến gần bố, người qua đời năm em ba tuổi. Nhớ lại khoảnh khắc con gái đứng trên đỉnh núi và tưởng nhớ người đã khuất, Hollie xúc động kể: "Con bé muốn thổi những nụ hôn cho bố, vẫy tay và hy vọng bố nhìn thấy mình".

Kenney chụp ảnh cùng bố khi còn bé. Ảnh: Hollie Kenney

Bên cạnh chuyến leo núi, Kenney và mẹ đã tạo một chiến dịch trên Go Fund Me để gây quỹ cho những bệnh nhân sử dụng phương pháp gây tê và phục hồi bằng chuyển động mắt (EMDR). Trước đây, bố em từng mắc hậu chấn tâm lý (PTSD) và cố gắng chữa chạy bằng liệu pháp này.

Tác giả: Thùy Linh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP