|
Cách đây mấy ngày, bên hành lang Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, “tư lệnh” ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tâm sự: “Tôi rất muốn gửi lời chia sẻ, thấu cảm với các nhà giáo và sẽ cùng đồng hành với đội ngũ giáo viên. Với tư cách là Bộ trưởng, đứng đầu ngành, tôi sẽ đại diện cho các thầy cô để làm việc với các cơ quan có thẩm quyền, một mặt để cải thiện điều kiện làm việc cho các thầy cô, mặt khác để tất cả các ngành, các cấp cùng đồng hành với ngành giáo dục. Có như vậy thì sự nghiệp đổi mới giáo dục mới thành công”.
Rất nhiều vấn đề đang thách thức. Không chỉ chế độ lương bổng, điều kiện làm việc, thậm chí cả danh dự người thầy. Được biết, hiện nay Bộ GD&ĐT đang dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục để đưa vị thế giáo viên hay chính sách đặc thù cho nhà giáo được pháp điển hóa. Yêu cầu cao phải đi đôi với đãi ngộ tương xứng. Khi yêu cầu nhà giáo phải có chuẩn kiến thức, kỹ năng cao hơn thì chế độ cũng phải phù hợp. Còn nếu chỉ yêu cầu giáo viên phải nâng cao chất lượng mà chế độ vẫn như cũ thì không được. Tất nhiên, đây là một “hành trình” không đơn giản.
Làm sao để nâng cao trình độ quản lý và chất lượng GD&ĐT trong nước? Câu hỏi này chính là “bài toán khó” không chỉ đối với ngành GD&ĐT mà cả hệ thống chính trị và là ước mơ cháy bỏng của tất cả các bậc phụ huynh. Ai cũng muốn “đổi mới quản lý để nâng cao chất lượng giáo dục”, nhưng thực tế rất khó vì nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: trình độ con người, điều kiện cơ sở vật chất, cơ chế quản lý hiện nay, trình độ học sinh, quy mô lớp học…
Rõ ràng để nâng cao chất lượng GD&ĐT không đồng nghĩa với ngành này phải thật nhiều GS., PGS., TS như một đề án đang được lập “gây choáng” với xã hội.
Chúng ta không thể hài lòng về chất lượng giáo dục những năm vừa qua và càng thấy lo hơn cho tương lai nền giáo dục nước nhà, khi lớp trẻ ngày nay vẫn “quay lưng” lại với nghề sư phạm. Từ xa xưa, ông cha ta đã khẳng định: “Thầy nào trò nấy”, lời răn dạy này phải chăng đã khẳng định vai trò quyết định của người thầy đối với quá trình giáo dục. Đó có phải là chân lý hiển nhiên và mãi mãi trường tồn?
Ngày 20/11 năm nay diễn ra khi cách đây chưa lâu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 19-NQ/TW) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, có nhiều quyết sách quan trọng đối với lĩnh vực GD&ĐT, giáo dục nghề nghiệp.
Hy vọng không xa nữa giáo dục GD&ĐT Việt Nam sẽ được tự hào với các nước trong khu vực và đất nước không còn chịu “chảy máu ngoại tệ” vì chất lượng GD&ĐT trong nước.
Tác giả: Ngô Đức Hành
Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam