Sáng 24/10, các đại biểu Quốc hội có phiên thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội.
Ghi nhận những nỗ lực để mang lại kết quả tăng trưởng kinh tế nổi bật 3 quý vừa qua nhưng đại biểu Trần Quốc Hận (Cà Mau) cũng băn khoăn về một thành tích được báo cáo.
Ông Hận chỉ rõ, Chính phủ nói trong báo cáo về việc “đã chủ động phòng chống thiên tai”. Tuy nhiên, qua trận bão lũ vừa qua, ông cho rằng, cần xem lại đánh giá về sự chủ động này.
“Có thể dự báo trước khoảng 10 ngày, tại sao lúc đó không cân đối để xả nước các hồ mà cứ chờ lúc trời đổ nước thì xả, đương nhiên ngập lụt xảy ra, cuốn trôi cả sinh mạng và tài sản của dân?” – đại biểu đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận phát biểu tại tổ thảo luận. |
Theo đó, ông Hận bình luận: “Tôi muốn ‘soi’ báo cáo của Chính phủ một chút. Biết trước có mưa bão rồi mà vẫn để xảy ra như thế thì cần xem lại xem sự chủ động thế nào”.
Cũng trao đổi về vấn đề này tại tổ thảo luận của mình, đại biểu Sùng A Hùng (Điện Biên) băn khoăn về kết quả trồng, độ che phủ rừng. Theo đại biểu, người dân bản địa giờ cũng không còn sống được với rừng nên không mặn mà bảo vệ rừng nữa. Nhà nước cũng không lo xuể được việc giữ rừng. Mà vì không giữ được rừng nên thiên tai mới tàn khốc, gây hậu quả nặng nề như vừa qua.
Theo ông Hùng, Chính phủ chưa chủ động xử lý từ gốc vấn đề này. Trong một cuộc thị sát gần đây tại khu vực Tây Bắc, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo Điện Biên giải quyết cơ chế cho người dân di cư về phía rừng với chủ trương “dù người ở đâu đến cùng đều là dân ta” nhưng lại không có quy định, chính sách gì cụ thể. Vậy nên, với những địa phương có rừng, địa phương đóng vai trò phên giậu, vành đai bảo vệ các tỉnh thành khác, di dân là vấn đề phức tạp, di dân liên quan trực tiếp tới việc phá rừng, tới bất ổn định.
Tán thành quan điểm này, đại biểu Ngô Thanh Danh (Đắk Nông) cho rằng, lúc này mới đặt vấn đề bảo vệ rừng, ngăn chặn nạn phá rừng là… chậm vì như ở địa phương này rừng cơ bản đã bị phá hết. Và phá rừng giờ đã chuyển hướng khác, phá rừng không còn là vì gỗ nữa vì rừng làm gì còn gỗ. Phá rừng bây giờ gây ra những vấn đề nhức nhối về an ninh trật tự, về xâm chiếm đất.
Ông Danh thông tin, hiện trên địa bàn tỉnh, ở trong rừng có 11.000 hộ với 55.000 khẩu là những người dân di cư ở nơi khác đến mà địa phương vẫn phải lo giải quyết rất nhiều vấn đề phức tạp.
Thảo luận về việc tự nhìn nhận, đánh giá những tồn tại, yếu kém của Chính phủ, đại biểu Đoàn Hồng Phong (Nam Định) nhìn nhận, dù chỉ có hơn một trang nhưng Chính phủ đã nêu rất đầy đủ, bao quát về những hạn chế yếu kém, dám nhìn thẳng vào hạn chế, tồn tại.
Những hạn chế, yếu kém này được đại biểu Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) điểm lại. Đó là chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, năng suất lao động chưa cao. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phân bón giả, kém chất lượng, lừa đảo trong bán hàng đa cấp, tín dụng đen... vẫn xảy ra. Còn những biểu hiện tiêu cực, suy thoái đạo đức lối sống gây bức xúc, nhất là tình trạng xâm hại trẻ em, phụ nữ, bạo lực gia đình....
Dừng lại ở lừa đảo trong bán hàng đa cấp, đại biểu Hoa nhấn mạnh nạn nhân chính là những người dân, vậy ở đây quản lý xã hội thế nào mà để các công ty đa cấp mở hội nghị công khai để quảng cáo thông tin không có thật.
Nhấn thêm những biểu hiện suy thoái đạo đức, bà Hoa cho rằng những vấn đề văn hoá phải được đặt lên bàn Quốc hội một cách đầy đủ hơn chứ không chỉ thể hiện như trong báo cáo của Chính phủ.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: Báo Dân trí