Giáo dục

Chỉ tiêu: Nỗi khổ của giáo viên

Khi một học kì kết thúc là lúc giáo viên chúng tôi “đau đầu” với những chỉ tiêu đăng kí hồi đầu năm học. Vì đây là thời điểm mà mỗi giáo viên rà soát, đối chiếu lại kết quả đã đạt được so với những con số ban đầu có thấp, cao gì hay không.

Nếu đạt thì mọi chuyện xem như “thuận buồm xuôi gió”, còn nếu không đạt thì sẽ rất “sốt vó” và đau đầu.

Quả đúng như vậy, giáo viên sao không “đau đầu” cho được khi vào đầu mỗi học, Sở đưa chỉ tiêu xuống Phòng, Phòng đưa chỉ tiêu về trường, trường đưa chỉ tiêu về mỗi giáo viên. Mang tiếng giáo viên đăng kí chỉ tiêu lên trường nhưng thật ra quy trình này đi ngược lại và cuối cùng, giáo viên trở thành “nạn nhân”, mà những người chịu thiệt thòi nhất là các em học sinh.

Trong đời người giáo viên, ai cũng mong học sinh của mình tốt cả về hạnh kiểm lẫn học lực, may mắn lắm thì được phân công vào chủ nhiệm và giảng dạy những lớp có sức học đều nhau, nhưng làm sao tránh khỏi những những học sinh chưa chăm, chưa ngoan.

Năm nào cũng vậy, chúng tôi nghe câu nói và thuộc nằm lòng của người đứng đầu nhà trường “Điểm nằm ở trong tay quý thầy cô, thầy cô làm sao đó để luôn đảm bảo chỉ tiêu mà nhà trường đã đăng kí với Phòng Giáo dục”. Câu nói nghe ra rất nhẹ nhàng nhưng để thực hiện nó là cả một quá trình dạy dỗ, cân nhắc, xem xét, nhưng rồi vì “miếng cơm manh áo” giáo viên phải làm mặc dù lương tâm rất cắn rứt.

Chỉ tiêu đưa ra, mỗi lớp giảng dạy đều phải có học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu và đặc biệt không có lớp nào có học sinh kém cả. Không có học sinh kém thì làm gì có chuyện học sinh ở lại lớp, chỉ ngang mức thi lại mà thôi.

Điều đáng suy nghĩ ở đây, cấp trên “ giới hạn” chỉ tiêu về học sinh yếu một cách nực cười (không quá 4% trên mỗi lớp) mà mỗi lớp có đến 40 học sinh, có nghĩa là một lớp tối đa chỉ có 1 học sinh yếu.

Bản thân là giáo viên dạy Ngữ văn bâc THCS, môn học khá đặc thù nên ngay từ đầu năm nhận lớp giảng dạy, tôi thường được sự quan tâm nhiều của các giáo viên chủ nhiệm, họ bảo rằng: “Em cần “chiếu cố” cho lớp chị với nhé, làm sao để cuối năm cả chị và em đều hoàn thành tốt chỉ tiêu đề ra.” Vả lại giữa các môn có sự liên quan và gắn bó chặt chẽ với nhau, trong đó có những quy định mà ít nhiều hai môn Văn, Toán bị ràng buộc.

Có thể nói rằng, chỉ tiêu chỉ là những con số mà thôi nhưng nó như một áp lực vô hình đối với chúng tôi khi mà căn bệnh thành tích chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Thật đáng buồn !

Điều đáng buồn hơn nữa, khi năm nào tôi được phân công giảng dạy lớp 6- lớp đầu cấp THCS thì biết chắc rằng bản thân dù có nỗ lực đến mấy cũng không hoàn thành được chỉ tiêu đề ra. Vì rất đơn giản, các em chưa quen phương pháp học mới, với nhiều môn học mới, vói nhiều kiến thức mới… mọi cái đều hoàn toàn mới so với thời Tiểu học của các em nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng học lực cuối học kì.

Thậm chí, nhiều em học sinh còn “đọc chưa thông, viết chưa thạo” vẫn ngồi vào lớp 6. Nhưng biết làm sao khi em đã có bằng Tiểu học.

Và thỉnh thoảng trong một đến hai lớp có 1 đến 2 học sinh bị bệnh thiểu năng trí tuệ nhưng phụ huynh không cho các em đến các trung tâm chuyên biệt dành cho các em mà vẫn đưa vào học ở các trường (tôi không hiểu vì sao những em này lại hoàn thành được bậc Tiểu học). Khi trao đổi và hướng dẫn phụ huynh, giáo viên chúng tôi nhận được câu trả lời hồn nhiên từ cha mẹ các em: “Lên các trung tâm đó xa nhà, tôi thích cho con học ở đây cho gần”. Thế là những em đó nghiễm nhiên chiếm 1% tỉ lệ học sinh yếu của giáo viên, ngoài ra phải kể đến các học sinh cá biệt, ham chơi, lêu lỏng… Và thế là tôi đã vượt chỉ tiêu ban đầu như đăng kí: 3 học sinh yếu trong một lớp.

Hôm rồi, họp sơ kết Tổ học kì 1, chỉ một mình tôi không đạt chỉ tiêu ban đầu đề ra. Các chị đồng nghiệp an ủi: “Không lo gì, còn học kì 2 nữa em nhé”. Nụ cười của tôi méo xệch. Chị chủ nhiệm lớp 6 đó lại càng không cười nổi!

Không dừng lại ngang đây đâu, rồi tôi sẽ được hiệu trưởng mời về phòng uống nước trà, vừa uống vừa giải thích và tìm phương hướng khắc phục tỉ lệ học sinh yếu trên. Tôi thương tôi quá!

Để tránh tình trạng như tôi, những đồng nghiệp của tôi có phương án khác, đó là những con điểm kiểm tra học sinh nào dưới trung bình (dưới 5), các chị sẽ chưa vào sổ điểm lớn cũng như cổng Công nghệ thông tin, chờ đến lúc nào điểm chác ổn định, cân bằng giữa các cột điểm thì mới vào điểm một thể. Đây là cách mà tôi nên học hỏi.

Thế đó, chỉ tiêu kéo theo những thứ mệt mỏi khác. Nhưng một tín hiệu vui đến với giáo viên chúng tôi khi phong trào chống bệnh thành tích được phát động. Hy vọng giáo viên trong tương lai sẽ có quyền đăng kí chỉ tiêu thực sự và có cơ hội làm đúng với lương tâm nghề nghiệp.

Tác giả: Thanh Thanh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP