Nhưng không phải những ai làm cha mẹ cũng định hướng đúng ngay từ ban đầu. Hai câu chuyện sau sẽ chứng minh điều này.
Một ngày đẹp trời, tôi gặp một phụ huynh gần 40 tuổi, gương mặt thoáng nét u buồn. Tuy chưa quen nhau bao giờ nhưng tự nhiên chị này bắt chuyện và giãi bày tâm sự. Tôi lắng nghe mà lòng nhiều nuối tiếc và đầy cảm thông.
Chị kể rằng chị có hai cháu nhỏ, một cháu đang chuẩn bị vào lớp 1 và một cháu lên 3. Nhưng khổ nỗi đứa con trai đầu mỗi khi nhìn thấy sách vở là kêu đau đầu. Sự việc diễn ra trong một thời gian dài, hôm rồi chị quyết định dẫn cháu đi khám, bác sĩ cho biết cháu mắc chứng rối loạn tiền đình.
Chị kể đến đây, sự đau khổ hiện rõ trên khuôn mặt buồn bã của chị. Chị bảo: “Cứ tưởng chứng rối loạn tiền đình chỉ có ở phụ nữ sau sinh do mất ngủ và chịu nhiều stress, ai ngờ con chị còn quá bé thế mà đã bị bệnh này hành hạ.” Mỗi khi chứng kiến con lên cơn đau, chị dằn vặt bản thân mình kinh khủng.
Kể xong, chị buông tiếng thở dài như kêu gọi sự đồng cảm. Tôi lặng người đi vì chưa bao giờ nghe trẻ nhỏ bị chứng bệnh này bao giờ.
Chị kể tiếp, khi nhìn thấy con đau như vậy, chị vô cùng hối hận và ăn năn vì đã thiếu sự chuẩn bị tâm lí cho con từ trước. Được biết, những năm cháu học mẫu giáo (đặc biệt là hai năm cuối của bậc học này), chị không hề cho con làm quen với sách vở, với cách học để chuẩn bị cho năm học lớp 1. Chị chủ quan, chị nghĩ rằng “tới đâu hay tới đó” hay chờ “nước tới chân rồi mới nhảy”. Để rồi thời gian gần đây, chị bắt con học liên tục, từ học thêm Toán, Tiếng Việt đến học luyện chữ…, Ngoài ra ở nhà, ông bà cùng với vợ chồng chị cứ thấy mặt cháu là lại bắt ép cháu vào phòng học bài liên tục.
Đến bây giờ, hậu quả cháu gánh chịu là bị chứng rối loạn tiền đình hành hạ - một chứng bệnh không thể điều trị trong một sớm một chiều.
Mọi người làm mẹ có mặt ở đây, nghe câu chuyện của chị mà ai cũng thầm trách móc chị sao lại suy nghĩ và hành động nông nỗi như thế.
Có người còn nói chua cay hơn “Trẻ con chứ có phải siêu nhân đâu, cái gì cũng phải bắt đầu từ từ chứ. Sao lại dồn dập và tạo tâm lí nặng nề trong việc học của con như thế?”.
Trẻ "luyện chữ" trước khi vào lớp 1 (ảnh minh họa) |
Nghe câu chuyện của chị mà lòng tôi thấp thỏm lo lắng và nhẹ nhàng khuyên chị. Trước hết, chị hãy theo liệu trình điều trị của bác sĩ về thuốc thang, chế độ dinh dưỡng và cho cháu nghỉ ngơi, hạn chế tiếp xúc với sách vở, học hành.
Thậm chí nếu được, chị nên sẵn sàng cho cháu học chậm một năm, không nhất thiết phải vào lớp 1 đúng tuổi. Trước mắt tập trung điều trị dứt điểm chứng rối loạn tiền đình ở trẻ, tránh để lại hậu quả đáng tiếc về thần kinh. Khi nào bệnh có dấu hiệu thuyên giảm chị hãy cho cháu tiếp xúc với sách vở theo cách vừa học vừa chơi.
Chị ấy nghe xong, gương mặt như bừng tỉnh và bảo rằng nhất quyết sẽ đồng hành cùng con trong hành trình gian khổ này. Câu chuyện của chị cứ làm người nghe day dứt.
Từ chuyện của chị phụ huynh này, tôi lại nghĩ đến cô bạn đồng nghiệp có con gái đang ở tuổi năm này chuẩn bị vào lớp 1 như cậu bé trên. Trong khi mọi cha mẹ đều đua nhau cho con học trước để vào năm học đỡ vất vả, thì cô bạn của tôi tự tin đến kì lạ trong việc tự dạy con ở nhà.
Cô đồng nghiệp này vạch ra kế hoạch cho con làm quen sách vở, bút thước, màu sắc, hình khối từ lúc cô con gái này lên 4 tuổi. Cô bạn của tôi cũng tìm hiểu kĩ những kiến thức có liên quan, những phương pháp cần thiết để dạy dỗ con gái.
Mỗi khi gặp bạn, tôi hay hỏi “Cậu không cho con bé đi học trước à?”. Bạn tôi lắc đầu và trả lời dứt khoát “ Mình tự dạy con mình được mà”.
Nói như thế đủ biết rằng cô bạn của tôi đã chuẩn bị tốt tâm thế cho cô con gái nhỏ của mình. Trong thời gian đầu khoảng giai đoạn 4 tuổi, con bé đã biết đọc được hai mươi bốn chữ cái tuy còn chậm nhưng cũng ổn.
Sau một năm, dưới sự kèm cặp của “ cô giáo mẹ”, cô bé này đã đọc được các chữ khó hơn và làm được các bài toán hai chữ số. Hai mẹ con vừa học cùng nhau vừa cười đùa vui vẻ. Bạn tôi bảo “Hai mẹ con tôi đã sẵn sàng cho năm học mới - năm học đầu tiên của con.”
Hai đứa trẻ trong hai câu chuyện trên có cùng độ tuổi nhưng phản ứng khác nhau khác nhau của hai bà mẹ trước khi con bước vào năm học đầu tiên đã dẫn đến tâm thế và suy nghĩ khác nhau.
Trẻ con luôn “như búp trên cành”, búp này nở ra như thế nào tùy thuộc vào sự chăm sóc ươm mầm của các bậc cha mẹ. Vì thế, các bậc làm cha làm mẹ cần cân nhắc kĩ lưỡng và có phương pháp đúng đắn để những búp nở thành những bông hoa làm đẹp cho đời.
Tác giả: Thanh Thanh
Nguồn tin: Báo Dân trí