Giáo dục

Cấm dạy nội dung ngoài sách giáo khoa

Yêu cầu tuyệt đối không dạy các nội dung ngoài sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo gây những ý kiến trái chiều

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có văn bản yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản để dạy và học phù hợp thời lượng dạy học và điều kiện thực tế của nhà trường.

Tinh giản, cập nhật thông tin mới

Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường tiếp tục rà soát nội dung dạy học trong sách giáo khoa (SGK) hiện hành; tinh giản những nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Đồng thời, điều chỉnh để tránh trùng lặp nội dung giữa các môn học, hoạt động giáo dục, bổ sung cập nhật những thông tin mới phù hợp thay những thông tin cũ, lạc hậu.

Học sinh sẽ học những kiến thức bó gọn trong sách giáo khoa Ảnh: TẤN THẠNH

Cũng theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các trường không dạy những nội dung, bài tập, câu hỏi trong SGK vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK.

Căn cứ vào chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, các trường lựa chọn các chủ đề, rà soát nội dung những bài học trong SGK hiện hành tương ứng với chủ đề đó để sắp xếp lại thành một số bài học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn. Từ đó, xây dựng kế hoạch giáo dục cho từng môn học, hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường.

Song song với việc tinh giản nội dung học tập, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các nhà trường chú trọng rèn cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu SGK để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học. Giáo viên dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình, sau đó giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng.

SGK đâu phải tối thượng!

Đánh giá về chủ trương mới này của Bộ GD-ĐT, TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho rằng việc tinh giản những kiến thức nặng nề, lạc hậu, giảm tải cho học sinh là cần thiết. Tuy nhiên, yêu cầu "tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài SGK" là chưa phù hợp.

Theo hiệu trưởng này, yêu cầu của Bộ GD-ĐT là học sinh phải biết vận dụng năng lực thực tế nhưng thực tế là có nhiều nội dung cần thiết lại không có trong SGK, vì thế giáo viên phải đưa vào bài giảng để học sinh hiểu thêm về vấn đề. "Tôi cho rằng việc cấm dạy nội dung ngoài SGK là không hợp lý. Có chăng thì bộ chỉ nên quy định không được dạy vượt quá những kiến thức tối thiểu học sinh cần có. Xưa SGK là tối thượng nhưng nay cần phải hiểu nó chỉ là một kênh thông tin, còn nhiều kênh khác để tham khảo. Chúng tôi có kiến thức thực tế, có thêm vốn sống, trải nghiệm" - TS Lâm nói.

Cũng liên quan đến quy định không được dạy những kiến thức ngoài SGK, cô Minh Tâm, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân của một trường THPT đóng tại quận Cầu Giấy, cho rằng quy định này làm khó giáo viên. Đề thi minh họa cũng như đề thi quốc gia môn giáo dục công dân năm trước đều yêu cầu học sinh phải nắm được những kiến thức mở rộng ngoài SGK. Chẳng hạn như đề thi yêu cầu phân biệt khái niệm vi phạm hành chính với vi phạm hình sự và vi phạm dân sự, đây là những khái niệm rất cơ bản nhưng trong SGK chỉ là một mục nhỏ của 1 bài nên giáo viên phải dạy thêm cho học sinh.

Ngoài ra còn có những khái niệm SGK không đề cập như vi phạm quyền tác giả, vi phạm quyền sở hữu công nghiệp được quy định trong Bộ Luật Dân sự. "Kiến thức về pháp luật trong môn giáo dục công dân rất trừu tượng, nặng về lý thuyết, trong khi đề thi minh họa yêu cầu ngoài việc nắm chắc kiến thức, bắt buộc học sinh phải hiểu rõ luật và biết cách áp dụng mới có thể làm đúng bài được. Nếu cấm giáo viên dạy kiến thức ngoài SGK thì học sinh có làm được bài thi hay không?" - cô Minh Tâm đặt câu hỏi.

Thay bài kiểm tra bằng nhiều cách đánh giá

Cũng theo yêu cầu mới của Bộ GD-ĐT, từ năm học 2017-2018, các nhà trường, tổ nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh. Tuyệt đối không kiểm tra, đánh giá những nội dung, bài tập, câu hỏi vượt quá mức độ cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.

Ngoài ra, theo Bộ GD-ĐT, các trường đổi mới thực hiện đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau. Có thể đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp, đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm hoặc đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. Các giáo viên có thể sử dụng các hình thức đánh giá nói trên thay cho các bài kiểm tra hiện hành (đối với cấp THCS và THPT).

Tác giả: YẾN ANH

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP