Trả lời báo chí tại họp báo Chính phủ chiều tối nay về việc xử lý trạm BOT Cai Lậy, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng 5 phương án và phân tích ưu, nhược điểm cụ thể; đồng thời lượng hoá, quy đổi giá trị mỗi phương án thành thời gian thu phí bao lâu...
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông |
Ông Đông cho biết, theo kết luận tại cuộc họp ngày 23/4, Thủ tướng giao Bộ GTVT cùng tỉnh Tiền Giang xem xét, xây dựng kế hoạch để quyết định chọn 1 trong 2 phương án Bộ kiến nghị thực hiện.
Cụ thể, phương án 1 là giữ nguyên trạm hiện tại, giảm mức thu từ 35.000 xuống 15.000 với xe con. "Đây là phương án ít xáo trộn tổ chức giao thông nội đô của thị xã Cai Lậy và ít gây ô nhiễm môi trường", ông Đông đánh giá.
Phương án 2, đặt thêm trạm nữa trong tuyến tránh và thu phí cả 2 trạm; khi hoàn vốn trạm ở QL 1 thì dỡ và khi hoàn vốn tại trạm tuyến tránh sẽ dỡ bỏ cả 2. Tuy nhiên, nếu thực hiện phương án này thì chi phí thu tăng lên, kéo dài thời gian thu phí, ảnh hưởng tới người dân.
"So sánh 2 phương án thì phương án 1 là ưu việt nhất. Bộ tiếp tục triển khai bằng cách phối hợp chặt chẽ với tỉnh Tiền Giang về thời điểm tổ chức thu và làm tốt công tác truyền thông. Khi Chính phủ quyết định thời gian cụ thể, Bộ sẽ thông báo rộng rãi", ông Đông cho hay.
Trạm BOT Cai Lậy thuộc dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt đường quốc lộ 1 khởi công năm 2014. Trong đó, phần tuyến tránh được đầu tư mới dài 12km, xây mới 7 cầu, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Phần sửa chữa quốc lộ 1 dài 26,5km với vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng. Trạm BOT Cai Lậy hoạt động từ ngày 1/8/2017, sau đó nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm đặt sai vị trí nên chủ đầu tư phải liên tục xả trạm.
Trước tình hình đó, Thủ tướng quyết định dừng thu phí trạm BOT Cai Lậy chờ Bộ GTVT trình phương án giải quyết.
Tác giả: Thu Hằng - Hồng Nhì
Nguồn tin: Báo VietNamNet