Giáo dục

“Bóc” kẽ hở dẫn tới tiêu cực, sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia

“Việc giao cho các Sở GD-ĐT tự tổ chức chấm thi chỉ phù hợp với yêu cầu công nhận kết quả tốt nghiệp THPT, không phù hợp với việc tuyển sinh cao đẳng, đại học. Đây chính là kẽ hở để phát sinh tiêu cực, sai phạm nghiêm trọng tại các địa phương, ảnh hưởng tới chất lượng sinh viên”…

Đây là kết luận được đưa ra trong báo cáo kết quả khảo sát về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 do UB Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thực hiện. Báo cáo được gửi tới các đại biểu Quốc hội để phục vụ chương trình làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 tới đây.

Quy trình thi chặt chẽ, quy chế thi rõ ràng nhưng chấm thi là khâu yếu nhất, dẫn đến những tiêu cực, sai phạm tại các địa phương


Quy trình thi chặt chẽ nhưng chưa phù hợp vì “khoán” địa phương tổ chức

Theo báo cáo, trong những ngày diễn ra kỳ thi, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập 5 đoàn công tác để thường trực tại 5 vùng trên cả nước nhằm chỉ đạo kịp thời các tình huống xảy ra trong quá trình tổ chức thi.

Bộ cũng đã thành lập 11 đoàn thanh tra thi lưu động để tăng cường giám sát công tác tổ chức thi tại các hội đồng thi, huy động hơn 4.000 cán bộ giáo dục tại các trường cao đẳng, đại học và cán bộ, giáo viên các địa phương làm thanh tra cắm chốt tại 2.144 điểm thi trên toàn quốc.

Tuy nhiên, cơ quan khảo sát đã chỉ ra không ít hạn chế, đầu tiên là trách nhiệm của Bộ trong công tác chỉ đạo, quản lý tổ chức thi chưa gắn kết mật thiết với chính quyền của địa phương; nhất là trong công tác kiểm tra, giám sát ở từng khâu của các quy trình tổ chức thi và chấm thi.

Quy trình tổ chức thi được đánh giá là chặt chẽ, quy chế thi rõ ràng, nhưng khi kết quả thi được sử dụng để xét tuyển vào đại học, cao đẳng thì việc giao cho địa phương thực hiện từ khâu tổ chức thi đến chấm thi là chưa phù hợp.

Cơ quan khảo sát cũng chỉ ra hạn chế, Sở GD-ĐT tại một số địa phương đã không bám sát quy chế, trong tham mưu và tổ chức thi, chưa chủ động xây dựng hoặc đề xuất giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn tình trạng tiêu cực, gian lận trong thi cử, có sở vi phạm vào quy chế quản lý, tổ chức thi, chấm thi.

UB Văn hóa, Giáo dục đánh giá, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ thanh tra cắm chốt chưa nhận thức, thực hiện đúng vai trò, nhiệm vụ của mình, thậm chí vi phạm nghiêm trọng quy chế thi, để lại hậu quả nặng nề cho xã hội.

Kết quả kháo sát cũng cho thấy, sự phối hợp giữa ngành giáo dục và ngành công an tại một số địa phương chưa đạt yêu cầu, để xảy ra tình trạng tiêu cực, thông đồng giữa các cán bộ coi chấm thi, vi phạm nghiêm trọng quy chế thi tại một số điểm thi.

Phiếu trắc nghiệm không có phách, sao dữ liệu bài thi nhiều sơ hở

UB Văn hóa, Giáo dục cũng nhấn mạnh, khâu chấm thi là khâu còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhiều sai sót, gian lận nghiêm trọng tại một số địa phương, do một số sơ hở của quy trình kỹ thuật khâu chấm thi. Những sơ hở này bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi, ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ kỳ thi.

Cụ thể, phiếu trả lời trắc nghiệm không có phách, quy trình sao dữ liệu ra đĩa CD thực ra cũng không cần thiết vì dữ liệu quét phiếu trả lời hoàn toàn có thể truyền ngay về cơ sở dữ liệu của Bộ...

Cơ quan khảo sát khẳng định, vi phạm quy chế thi của một số cán bộ, giáo viên đang công tác trong ngành giáo dục đã ảnh hưởng nghiêm trọng hình ảnh nhà giáo, làm giảm sút niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các hạn chế trên, theo kết quả giám sát là việc xử lý sai phạm chưa đủ sức răn đe trước những tiêu cực gần đây.

Cơ quan khảo sát đề nghị Bộ GD-ĐT tạo tiếp tục phối hợp với Bộ Công an và các cấp có liên quan rà soát, xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân có liên quan đến sai phạm tại một số địa phương và sớm có kết quả về sai phạm và cách xử lý mọi cá nhân, tổ chức liên quan.

UB cũng cho rằng, cần nghiêm túc xem xét lại vai trò, trách nhiệm của Bộ GD-ĐT và chính quyền địa phương trong các khâu coi thi và chấm thi, trách nhiệm của lãnh đạo một số hội đồng thi, trách nhiệm của các cán bộ, giảng viên của các trường đại học, cao đẳng trong việc phối hợp tổ chức thi tại địa phương, nhất là trách nhiệm của bộ phận làm công tác thanh tra, giám sát.

Băn khoăn về giá trị của kỳ thi "2 trong 1"

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 có tổng số 925.792 học sinh đăng ký dự thi, trong đó, có 925.753 thí sinh dự thi (đạt tỷ lệ trên 99%) tại 2.144 điểm thi với 39.689 phòng thi trên toàn quốc

Về kết quả của kỳ thi, cơ quan của Quốc hội cho rằng, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp quá cao (trên 97%) khi kết quả đánh giá của kỳ thi gần 50% số bài thi dưới trung bình, tạo suy nghĩ băn khoăn về vị trí và giá trị của kỳ thi.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, đề thi dựa trên cơ sở ngân hàng đề thi được xây dựng “theo hướng chuẩn hóa”, mô phỏng quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa của các nước tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, chất lượng đề thi còn bất cập. Mức độ khó/dễ của từng đề trong mỗi môn thi, độ chênh nhau quá lớn giữa năm sau với năm trước.

Đề thi trắc nghiệm ở một số môn thi chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trong đề thi có nhiều câu hỏi không yêu cầu học sinh phải tư duy, suy luận hay sáng tạo mà chủ yếu đòi hỏi nhớ hoặc vận dụng ở cấp độ thấp.

Yêu cầu sử dụng đồng thời kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp THPT và để xét tuyển sinh vào cao đẳng, đại học gây nhiều khó khăn cho việc xây dựng đề thi. Hai mục tiêu này đặt chung trong một đề thi tạo ra những bất cập rất khó khắc phục: phù hợp mục tiêu này thì quá khó hoặc quá dễ với mục tiêu kia. Kết quả đã thể hiện trong hai kỳ thi năm 2017 và 2018.

Tác giả: P.Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP