Chiều 9/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với sự tham gia của Sở Giáo dục 63 địa phương, đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch Đầu tư...
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ khẳng định, thành bại của chương trình giáo dục phổ thông mới phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ nhà giáo. Một trong hai nhiệm vụ ngành sẽ chú trọng trong năm 2019 là chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho chương trình mới.
"Áp lực công việc của đổi mới chương trình là rất cao. Muốn thầy cô tốt thì chúng ta cũng phải nhìn vào các điều kiện để giáo viên làm tốt nhiệm vụ, có động lực làm việc. Nếu không nhìn vào động lực mà cứ tăng công việc, tăng áp lực thì chính sách sẽ không hiệu quả, thậm chí có tiêu cực", ông Nhạ nói.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ngày 9/1. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Một trong những việc ngành giáo dục kiên quyết thực hiện từ năm 2019 để giảm áp lực, tạo động lực cho giáo viên là giảm gánh nặng sổ sách hành chính, các cuộc thi nhà giáo không cần thiết. Bộ cũng đề nghị địa phương và các bộ ban ngành liên quan chung tay giải quyết áp lực thi đua cho các trường; có chính sách lương bổng để nhà giáo yên tâm làm tốt công việc.
Đến tháng 10/2018, toàn quốc có gần 1,2 triệu giáo viên các cấp, trong đó 96,6% thầy cô cấp mầm non và gần 100% các cấp còn lại đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nhạ cho rằng đây chỉ là con số theo quy chuẩn cũ. Để đáp ứng tiêu chuẩn mới, nhiều giáo viên phải bồi dưỡng thêm.
Các trường sư phạm chủ chốt đã xây dựng chương trình, tài liệu để tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu mới. Quý I/2019 bắt đầu bồi dưỡng giáo viên cốt cán ở trung ương, từ quý III sẽ bồi dưỡng giáo viên đại trà ở địa phương. Hình thức tập huấn là trực tiếp và trực tuyến.
Nhiều lãnh đạo ngành giáo dục địa phương băn khoăn vấn đề thừa thiếu giáo viên khi áp dụng chương trình mới. Bởi chương trình cho phép học sinh lựa chọn môn học, xuất hiện một số môn tích hợp mới đòi hỏi nguồn giáo viên liên môn... Thực tế, ngành đang thiếu gần 76.000 giáo viên các cấp, riêng THCS - cấp có các môn tích hợp vừa thiếu hơn 10.000, vừa thừa hơn 12.000 người.
"Ngành giáo dục đang tinh giảm biên chế, chúng tôi phải sắp xếp đội ngũ giáo viên thế nào để không thừa, thiếu", Giám đốc Sở Giáo dục Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Thanh Giang nêu câu hỏi. Giám đốc Sở Giáo dục Hải Phòng, ông Nguyễn Xuân Trường cũng đặt vấn đề biên chế, bồi dưỡng giáo viên ra sao.
Trả lời câu hỏi, Vụ phó Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết, có hai môn tích hợp mới ở cấp THCS khiến thầy cô băn khoăn về đội ngũ giáo viên và sắp xếp thời khóa biểu là Lịch sử - Địa lý và Khoa học Tự nhiên.
Với Lịch sử và Địa lý, chương trình được thiết kế theo các phần tương đối độc lập. Việc bố trí giáo viên dạy môn này cơ bản không thay đổi so với chương trình hiện hành. Môn Khoa học Tự nhiên cũng có thời lượng tương ứng tổng thời lượng các môn riêng lẻ hiện nay, nên về cơ bản việc bố trí giáo viên không khó khăn. "Sẽ có mã ngành tuyển mới sinh viên các môn Khoa học Tự nhiên, Lịch sử - Địa lý. Hiện nay nhiều giáo viên mới ra trường, chúng ta sẽ bổ sung kiến thức để họ dần đảm nhận dạy toàn bộ môn tích hợp", ông Thành nói.
Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Hoàng Đức Minh tại cuộc họp ngày 9/1. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, ông Hoàng Đức Minh cũng cho hay, chương trình giáo dục phổ thông mới không bỏ môn nào so với hiện nay nên chắc chắn không có việc giáo viên ở một số môn không có việc làm. Toàn bộ thầy cô ở các môn liên quan đến môn học tích hợp mới sẽ được bồi dưỡng để đáp ứng nhu cầu.
Tác giả: Quỳnh Trang
Nguồn tin: Báo VnExpress