Giáo dục

Bộ GD&ĐT tuýt còi địa phương "vượt rào" tuyển sinh lớp 10

Hiện có nhiều luồng ý kiến trong việc các tỉnh, thành tuyển thẳng, ưu tiên thí sinh thi lớp 10 có chứng chỉ IELTS.

Tuyển sinh lớp 10 ưu tiên IELTS: Có đồng tình, có phản đối

Những ngày qua, thông tin một số địa phương dùng chứng chỉ IELTS từ 4.0 hoặc tương đương để tuyển sinh lớp 10, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Đáng chú ý trước đó, ở mùa tuyển sinh lớp 10 năm ngoái, nhiều tỉnh, thành áp dụng việc tuyển thẳng, ưu tiên đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS hoặc chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tương đương như Nghệ An, Phú Thọ, Bình Dương, Vĩnh Long, Quảng Trị, Tuyên Quang…

Sau công văn đề nghị các tỉnh, thành dừng việc tuyển thẳng, ưu tiên thí sinh có chứng chỉ IELTS, ngoại ngữ quốc tế vào lớp 10 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) theo đó phụ huynh ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã có những chia sẻ trái chiều.

Cô Nguyễn Thị Hồng Quyên - một giáo viên tiếng Anh bậc THPT tại Tp.HCM cũng cho rằng không nên ưu tiên hoặc tuyển thẳng đối với thí sinh có IELTS, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

"Nếu tuyển thẳng bằng IELTS, học sinh THCS chỉ lo luyện IELTS. Khi vào THPT, các em phải học tổ hợp môn nên việc tuyển thẳng bằng IELTS không đánh giá đúng năng lực học sinh.

Và không phải học sinh nào cũng giỏi ngoại ngữ, những môn học khác cũng không nên bị phân biệt đối xử", cô Quyên chia sẻ.

Trả lời Tuổi Trẻ, TS Lê Xuân Quỳnh - trưởng bộ môn chương trình cử nhân ngôn ngữ Đại học RMIT - cho rằng các tỉnh, thành có chính sách dùng IELTS để tuyển thẳng thí sinh vào lớp 10 là chưa phù hợp.

Vì chứng chỉ IELTS không thể thay thế các môn thi khác. Cũng như vậy, việc quy đổi điểm thi IELTS sang điểm môn tiếng Anh cho thí sinh vì không có cùng thang đo nên sẽ khập khiễng.

Tuy nhiên, nếu các tỉnh, thành kết hợp giữa việc thí sinh có chứng chỉ IELTS và học bạ học sinh bậc THCS thì có cơ sở để miễn cho học sinh thi tuyển sinh lớp 10.

"Điều kiện mỗi tỉnh, thành là khác nhau và vì thế tuyển sinh lớp 10 cần căn cứ trên tình hình thực tế của mỗi địa phương", ông Quỳnh nêu ý kiến.

Ảnh minh họa

Bộ Giáo dục "tuýt còi" việc dùng IELTS xét tuyển lớp 10

Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên báo Dân Trí PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, sở dĩ Bộ bỏ quy định về điểm khuyến khích, trong đó có quy định ưu tiên chứng chỉ IELTS trong tuyển sinh lớp 10 vì nhận thấy có thể gây mất công bằng.

Ông Thành cho hay, thực tế ở cùng một địa phương, học sinh ở khu vực trung tâm dễ tiếp cận với việc học và lấy chứng chỉ ngoại ngữ hơn. Ngược lại, ở những địa bàn khó khăn, dù có nỗ lực học tốt ngoại ngữ, việc đi đến địa điểm thi hay chuẩn bị tiền triệu để đóng lệ phí cũng gặp trở ngại. Như vậy, dùng chứng chỉ để tuyển sinh là không công bằng.

Cũng theo chuyên gia này, việc học ngoại ngữ là nhu cầu tự thân. Học để nắm được ngoại ngữ, dùng làm phương tiện học tập và làm việc, chứ không phải học chỉ để lấy chứng chỉ phục vụ tuyển sinh. Học chỉ vì động lực từ bên ngoài như vậy là không bền vững.

"Các gia đình đã đầu tư cho con học ngoại ngữ và thi lấy chứng chỉ cũng không sao cả. Nếu vừa có chứng chỉ, vừa chăm chỉ học ngoại ngữ, học sinh vẫn có lợi thế thi môn ngoại ngữ vào lớp 10 nên cũng không cần thiết phải cho điểm khuyến khích.

Do vậy, nếu nói bỏ quy định ưu tiên chứng chỉ IELTS trong tuyển sinh làm giảm phong trào học tiếng Anh là chưa đúng", ông Thành nói.

Ông Thành cũng khẳng định, trước kiến nghị của các địa phương về việc cộng điểm ưu tiên chứng chỉ ngoại ngữ này, trong thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu, đánh giá cụ thể nhưng rất khó có chuyện tuyển thẳng không kèm điều kiện khác với thí sinh có IELTS.

Như Dân trí phản ánh trước đó, thông tin nhiều địa phương ưu tiên chứng chỉ IELTS từ 4.0 hoặc tương đương để tuyển sinh vào lớp 10 gây tranh cãi nhiều ngày qua.

Được biết từ năm 2018, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh quy chế tuyển sinh lớp 10, theo đó không còn cho phép địa phương cộng điểm khuyến khích. Và việc Bộ GD&ĐT bỏ quy định cộng điểm cho học sinh có chứng chỉ IELTS là một ví dụ

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, các tỉnh thành được chủ động kế hoạch tuyển sinh, môn thi, hình thức, nhưng tuyển thẳng hay ưu tiên thì phải thực hiện theo yêu cầu của Bộ.

Việc đâu đó có tỉnh đưa thêm đối tượng tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển như thời gian qua là không đúng.

Các năm trước, Bộ chưa phát hiện nhưng năm nay, ngay khi biết có tình trạng này, Bộ đã đề nghị các tỉnh thực hiện đúng.

Năm 2014, Bộ ban hành quy chế tuyển sinh THPT, nêu rõ bốn nhóm thí sinh được tuyển thẳng, gồm học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú; là người dân tộc rất ít người; học sinh khuyến tật; đạt giải cấp quốc gia trở lên về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, khoa học kỹ thuật.

Ba nhóm khác được cộng điểm ưu tiên là: con liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học, anh hùng lao động, lực lượng vũ trang, đang sống và học tập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn....

Ngoài các diện trên, quy chế cho phép Sở GD&ĐT cộng điểm khuyến khích cho một số nhóm học sinh khác. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các quy định về cộng điểm khuyến khích bộc lộ mặt trái, có thể tạo ra sự mất công bằng giữa học sinh.

Từ quy định nêu trên, có thể thấy rõ việc các địa phương áp dụng quy định tuyển thẳng hoặc cộng điểm ưu tiên vào lớp 10 cho học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh hoặc có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là không đúng quy định.

Tác giả: Trúc Chi (t/h)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP