Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19.
Theo Bộ GD-ĐT, chương trình được thực hiện theo nguyên tắc giữ lại yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn học/lớp học, không yêu cầu học sinh thực hiện các nội dung học tập nâng cao, trùng lặp giữa các môn học, các nội dung đã quá cũ so với kiến thức khoa học hiện đại. Một số nội dung được tích hợp theo các chủ đề để tiết kiệm thời gian nhưng đảm bảo yêu cầu về kiến thức, kỹ năng.
Do dịch covid-19, Bộ GD-ĐT tinh giản chương trình THCS, THPT ở mức tối thiểu cần đạt |
Cụ thể đối với lớp 6 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD-ĐT hướng dẫn thực hiện dạy học theo chương trình, bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình các môn học/hoạt động giáo dục trong điều kiện phòng, chống Covid-19. Trong đó, những nội dung phù hợp và thuận lợi cho học sinh khai thác, sử dụng hiệu quả sách giáo khoa và học liệu dạy học trực tuyến, các nhà trường sẽ tổ chức dạy học đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình.
Đối với những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm, nhà trường tổ chức lựa chọn, sử dụng học liệu dạy học trực tuyến để dạy học, hoặc hướng dẫn học sinh tự thực hiện ở nhà phù hợp với điều kiện thực tế.
Đối với các lớp từ lớp 7 đến lớp 12 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006, Bộ GD-ĐT hướng thực hiện dạy học theo mức độ cần đạt của chương trình và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học các môn học.
Các môn học theo chương trình nâng cao ở cấp THPT và lớp học theo mô hình trường học mới, cơ sở giáo dục cũng chủ động điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với điều kiện thực tế. Bộ đã có phụ lục hướng dẫn nội dung giáo viên cần làm, cũng như hướng dẫn học sinh thực hiện như: học sinh tự học, học sinh tự đọc, học sinh tự thực hiện…
Bộ GD-ĐT yêu cầu, cơ sở giáo dục trung học xây dựng, hoàn thiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, bảo đảm chủ động, linh hoạt ứng phó với các tình huống của dịch Covid-19 tại địa phương.
Các nhà trường kịp thời tổ chức dạy học những nội dung kiến thức cơ bản theo yêu cầu cần đạt của chương trình, làm cơ sở để tiếp tục dạy học các nội dung còn lại.
Nhà trường đồng thời kết hợp tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cơ bản đã dạy cho các nhóm đối tượng học sinh một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại địa phương.
Đặc biệt, Bộ GD-ĐT yêu cầu không kiểm tra, đánh giá định kì những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu; những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm.
Tác giả: Yến Anh
Nguồn tin: Báo Người Lao động