Bỏ cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ thông trong kỳ thi vào lớp 10 nhằm tạo sự công bằng cho học sinh trong học tập cũng như thi cử. Theo đó, chất lượng học sinh vào lớp 10 sẽ thực chất hơn. |
Hầu hết các em được cộng số điểm nghề ngang nhau
Chia sẻ về dự thảo của Bộ GD&ĐT về bỏ việc cộng điểm nghề trong tuyển sinh vào lớp 10 THPT, thầy Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An) cho rằng, đây là điều nên làm.
“Trước hết, qua thực tế nhiều năm trực tiếp làm công tác tuyển sinh tôi thấy rằng, các em học sinh khi đăng ký vào trường hầu hết đều được cộng 1,5 điểm nghề, tương đương với xếp loại giỏi thi nghề. Như vậy, nói rằng được cộng điểm để tăng cơ hội trúng tuyển là không có, vì em nào cũng được cộng số điểm ngang nhau. Ví dụ điểm chuẩn vào lớp 10 hàng năm của trường THPT Huỳnh Thúc Kháng nằm mức 36 điểm, nếu không có điểm nghề thì nó sẽ thấp xuống 1,5 điểm là 34,5 điểm”.
Mặt khác, cũng theo thầy Bảo, việc cộng điểm nghề lại gây ra hệ quả là học sinh lớp 9 học nghề chỉ để có điểm là chính, chứ không phải vì mục tiêu học để biết một nghề nào đó. Dẫn đến việc học nghề chỉ mang tính hình thức. Chưa kể việc thi để đạt nghề loại khá, giỏi khá dễ dàng, dễ khiến học sinh chủ quan, có suy nghĩ không đúng về tính nghiêm túc, nghiêm khắc của các cuộc thi.
Thống nhất là nên bỏ việc cộng điểm nghề vào xét tuyển lớp 10. Tuy nhiên, thầy Bảo cho rằng, quy định này cần phải có kế hoạch, định hướng áp dụng vào thời điểm bắt đầu năm học mới để các nhà trường và phụ huynh, học sinh có sự chuẩn bị.
Hiện nay, nhiều trường THCS trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã hoàn thành việc dạy nghề cho học sinh lớp 9. Bởi vậy, một số phụ huynh học sinh mong muốn quy định bỏ cộng điểm nghề trong tuyển sinh lớp 10 THPT sẽ được áp dụng từ năm học sau.
Một phụ huynh tại TP Vinh chia sẻ: “Con tôi đang học lớp 9 tại trường THCS Đặng Thai Mai, đã học nghề xong rồi dù cháu có nguyện vọng thi vào THPT. Các bạn cùng lớp cháu hầu hết đều tham gia học nghề. Vì vậy, nếu áp dụng bỏ cộng điểm vào lớp 10 ngay tới đây thì lãng phí và phần nào thiệt thòi cho các cháu”.
Hướng đến mục tiêu phân luồng sau THCS
Hiện nay, một số huyện của Nghệ An đã dừng triển khai dạy nghề ở bậc THCS, lý do vì học sinh không có nhu cầu. Đơn cử tại huyện Thanh Chương, khoảng 2 năm học trở lại đây, các trường không tổ chức dạy nghề nữa mà chỉ tổ chức các chương trình hướng nghiệp.
Theo ông Đặng Văn Hóa - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Chương, ngành giáo dục huyện đã triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của Sở GD&ĐT. Tuy nhiên, do số lượng học sinh đăng ký tham gia học nghề rất ít nên không tổ chức thành lớp dạy tập trung được. Thầy Hóa cũng cho biết, tâm lý phụ huynh học sinh vẫn muốn học tiếp lên THPT chứ chưa muốn đi học nghề sau THCS. Những năm gần đây, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 THPT chiếm đến 87%.
Còn tại huyện Nam Đàn, việc dừng tổ chức dạy nghề trong trường THCS đã được thực hiện từ cách đây 5 năm. Thầy Lê Văn Luận - Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Lông chia sẻ, thời điểm đó, vì học sinh không có nhu cầu đăng ký học nghề, nên các trường THCS trong huyện đã xin ý kiến các cấp để không dạy nghề nữa. Một nguyên nhân nữa là học sinh chưa nhận thức đầy đủ về việc học nghề, phần lớn các em học chỉ để cộng điểm vào THPT nên việc dạy nghề - học nghề trong các trường THCS chưa thực chất.
Cho rằng việc phân luồng học sinh THCS là rất cần thiết và phải đẩy mạnh hơn nữa, thầy Luận cho biết, những năm qua, nhà trường đã liên kết với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và GDTX của huyện, các trường Cao đẳng để dạy nghề để tổ chức nói chuyện, tư vấn cho phụ huynh, học sinh. Nhưng do còn một bộ phận học sinh, phụ huynh hiểu sai phân luồng như “phân tầng học lực”, dẫn tới các em mặc cảm với bạn bè và người thân mà ngại chưa dám học nghề.
“Thời gian qua, tôi thấy cấp Bộ và Sở đã quyết liệt rồi, nhưng ở cơ sở công tác phân luồng hướng nghiệp sau THCS vẫn còn nhiều hạn chế nên chưa thực hiện được hiệu quả. Bên cạnh đó, các trường nghề cũng phải dạy thực chất, đào tạo ngành nghề có đầu ra, lao động đáp ứng nhu cầu thị trường thì mới thu hút được học sinh”, thầy Luận nói.
Từ thực tế tại địa phương, ông Thái Huy Vinh - Phó GĐ Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, việc bỏ cộng điểm nghề vào tuyển sinh lớp 10 THPT là đúng và là sự đổi mới cần thiết nhằm thực hiện tốt phân luồng sau THCS. Theo ông Vinh, điều này không có nghĩa là xóa bỏ học nghề mà là để đòi hỏi việc dạy nghề - học nghề thực chất, hướng đến đối tượng thực sự có nhu cầu học nghề.
Chất lượng vào lớp 10 sẽ thực chất hơn
Ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa cho rằng, việc bỏ cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ thông trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là hợp lý nhằm tạo sự công bằng cho học sinh trong học tập cũng như thi cử. Theo đó, chất lượng học sinh vào lớp 10 sẽ thực chất hơn.
"Chúng ta cũng phải nhìn thẳng vào sự thật đó là, việc dạy nghề cho học sinh ở bậc THCS còn nhiều hạn chế, nhiều nơi còn hình thức nên không tạo được động lực cho học sinh trong học tập cũng như định hướng nghề nghiệp. Mặt khác, nhiều học sinh chọn thi nghề là vì điểm cộng chứ không phải vì định hướng nghề nghiệp. Vô hình chung việc thi nghề đã trở thành "phao cứu cánh" cho nhiều học sinh vào lớp 10, điều này khiến cho việc thi nghề không còn ý nghĩa như mục tiêu ban đầu" - ông Tứ nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Tứ cho rằng, cộng điểm thi nghề bằng với số điểm cộng học sinh cấp tỉnh là chưa phù hợp và cân xứng. Không có lý gì mà một em học sinh cấp tỉnh được cộng 2 điểm mà em thi nghề cũng được cộng 2 điểm vào tuyển sinh lớp 10.
"Hai kỳ thi hoàn toàn khác nhau và chất lượng cũng hoàn toàn khác nhau. Do đó, tôi đồng tình với quan điểm bỏ cộng điểm khuyến khích thi nghề phổ thông trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 nhằm giảm bớt sự chồng chéo giữa các điểm cộng ưu tiên cho học sinh" - ông Tứ bày tỏ quan điểm.
Đồng quan điểm ông Đào Đức Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định, cho rằng, không còn điểm cộng thi nghề, các em sẽ nỗ lực trong học tập hơn, tránh tình trạng ỷ lại vào điểm khuyến khích, qua đó chất lượng kỳ thi và chất lượng đầu vào của học sinh lớp 10 cũng sẽ tốt hơn.
Mặt khác, bỏ điểm cộng thi nghề cũng góp phần phân luồng ngay từ bậc THCS được tốt hơn. Tuy nhiên, vì có điểm cộng nghề nên học sinh A vẫn lên lớp 10, nhưng kết quả học tập sẽ không cao. Cuối cùng sau 3 năm học THPT, em đó vẫn phải đi học ở một trường nghề. Như vậy là rất lãng phí.
Vì thế ông Tuấn đồng tình với dự thảo quy định bỏ cộng điểm khuyến khích cho thí sinh khi tuyển sinh vào lớp 10 như Bộ GD&ĐT vừa công bố.
Tác giả: Bình An
Nguồn tin: Báo Dân trí