Trước đó, trong cuộc biểu tình ngày 30/3, quân đội Israel đã dùng vũ lực để trấn áp người dân Palestine đã có mặt, với lý do rằng cuộc biểu tình này do lực lượng Hamas dàn xếp. Theo một phát ngôn viên của Bộ Y tế dải Gaza, đã có ít nhất 15 người Palestine thiệt mạng và hơn 1.500 người khác bị thương trong ngày đầu tiên của cuộc biểu tình.
Binh lính Israel sử dụng khí hơi cay nhằm giải tán đám đông người biểu tình từ dải Gaza. |
Ông Miko Peled, một nhà hoạt động chính trị sinh ra tại Jerusalem cho biết: “Người dân Palestine bị sát hại bằng nhiều kiểu. Họ chết vì bị đạn bắn khi đang ngủ, hoặc trúng bom thả từ trên cao, hoặc do thiếu nước, do bệnh dịch, hoặc bị thương do các cuộc không kích mà không được chạy chữa kịp thời. Họ cũng bị sát hại khi đứng lên đấu tranh vì quyền lợi của mình. Họ bị sát hại chỉ vì họ là người Palestine”.
Ông Eric Goldstein, Phó giám đốc phụ trách vùng Trung Đông của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) đã đưa ra thông cáo báo chí nói rằng “binh lính Israel không những đã dùng vũ lực quá mức, mà còn thực hiện dựa trên những mệnh lệnh buộc Palestine đáp trả đẫm máu”.
Người dân Palestine đã tổ chức biểu tình để yêu cầu quyền được trở lại khu vực mà mình đã từng sinh sống, nơi Israel đang chiếm đóng trái phép. Hiện nay, khoảng 70% trong tổng số hai triệu người dân ở dải Gaza đều là những người tị nạn hoặc có gốc gác là người từ nơi khác sơ tán tới đây.
“Có hai triệu người đang sinh sống ở dải Gaza, họ đều không được tiếp cận nguồn nước sạch”, ông Peled cho biết. Ông cũng nói rằng dải Gaza vẫn là nơi rất khó sinh sống mặc dù Israel đã “đẩy hàng trăm ngàn người từ miền nam Palestine tới đây”. “Người dân cũng không được trợ giúp y tế đầy đủ bởi Israel quyết định ai sẽ được chăm sóc và ai không được. Họ không thể rời bỏ dải Gaza để đến nơi khác, và tại đây cũng không có trung tâm y tế. Trong khi đó các cuộc đánh bom vẫn xảy ra”, ông nói.
Ông Jason Greenblatt, đặc phái viên của Mỹ tại Trung Đông đã lên án người biểu tình Palestine, nói rằng Mỹ chỉ trích “các lãnh đạo của cuộc biểu tình này đã châm ngòi bạo lực hoặc đưa người dân, trong đó có trẻ em đến hàng rào biên giới, và biết rõ rằng những người này sẽ bị thương hoặc bị sát hại”.
Đáp lại, ông Peled khẳng định rằng: “Người Palestine xuất hiện ở hàng rào biên giới và muốn xâm phạm sang bên kia là những người đang muốn thoát khỏi nhà tù để trở về nhà, trở về quê hương của mình. Thế nhưng họ bị tô vẽ như là những người hung bạo muốn đạp đổ một đường biên giới được quốc tế công nhận. Đó không phải là đường biên giới, đó là bức tường của một nhà tù khổng lồ, được thiết lập để giam giữ những người ở đây và họ có quyền đạp đổ và trở về nhà mình”.
Tác giả: Anh Tuấn
Nguồn tin: Báo Infonet