Ngay sau đó, Israel tiến hành một đợt không kích lớn nhất kể từ khi nước này tấn công Lebanon vào năm 1982 nhằm vào các mục tiêu ở Syria. Lưới phòng không Syria bắn rơi một chiếc F-16 của Israel và Tel Aviv lập tức đáp trả thêm.
Israel đã nhiều lần ném bom ở Syria, với mục đích ngăn chặn ảnh hưởng của Iran – dưới hình hài nhóm vũ trang Hezbollah - ở cửa nhà mình. Trong khi Nga liên tục không kích các nhóm nổi dậy Syria, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt đầu ném bom lực lượng người Kurd gần biên giới mình gây đây. Mỹ chủ yếu không kích Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, còn quân đội Syria không ngừng ném bom quân nổi dậy trên cả nước.
Xe quân sự của Israel trên cao nguyên Golan gần biên giới với Syria. Ảnh: REUTERS |
"Những làn sóng không kích chết chóc liên tiếp" ở Syria khiến các quan chức Liên Hiệp Quốc liên tiếp lên tiếng báo động. Theo Washington Post, những tuần lễ đầu tiên của năm 2018 đã trở thành khoảng thời gian đẫm máu nhất của nội chiến Syria, "với hàng trăm người chết do không kích, 300.000 người mất nhà cửa ở Tây Bắc Syria và 400.000 người đối mặt cảnh chết đói ở phía Đông Damascus".
Cảnh báo sẽ tiếp tục mạnh tay song Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dường như không có nhiều lựa chọn. Bất chấp việc Tel Aviv thường xuyên đàm phán với Moscow – để tìm cách chia rẽ Nga với Iran, các lực lượng Nga gần như chắc chắn đứng về phía Syria trong cuộc đối đầu với Israel.
"Một trong các căn cứ Syria bị Israel không kích hôm 10-2 có cả binh lính Syria và Nga đồn trú. Thật khó mà nói rằng người Nga không biết chuyện máy bay không người lái của Iran xuất phát trong khu vực này hay chuyện Syria triển khai lưới phòng không sau đó", theo báo Washington Post.
Cây bút Anshel Pfeffer của báo Haaretz (Israel) viết: "Israel không còn cách nào khác ngoài chấp nhận luật chơi của Nga. Họ có thể tiếp tục bay vào không phận Syria để tấn công các mục tiêu nhưng phải cẩn thận hơn rất nhiều. Nga không cản trở máy bay Israel cũng như không ngăn quân đội Syria tìm cách bắn hạ đối thủ".
Người dân ở thị trấn Douma, Đông Ghouta ở Damascus đã bị vây hãm nhiều tháng nay. Ảnh: REUTERS |
Tình hình trên cho thấy Israel sẽ không đánh liều leo thang căng thẳng. Tuy vậy, "những hục hặc giữa Israel và Lebanon xoay quanh nhóm Hezbollah có thể châm ngồi một cuộc chiến khác dọc biên giới hai nước và lan rộng. Đối với Damascus và hai thế lực chống lưng họ, việc Israel mạnh tay sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng, có thể khiến chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad lung lay", theo cảnh báo của Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG).
Trong khi đó, vai trò của Washington không khác gì kẻ đứng bên lề. Cả hai chính quyền của ông Barack Obama và Donald Trump đều ưu tiên đánh bại IS. "Cuối cùng thì người Kurd và người Ả Rập ở Syria sẽ đứng ra thỏa thuận với Assad. Trừ khi chúng ta định hiện diện quân sự lâu dài ở đó, còn không thỏa thuận nhiều khả năng sẽ có lợi cho Assad" – ông Robert Ford, cựu đại sứ Mỹ tại Syria, phân tích.
Tác giả: Hải Ngọc
Nguồn tin: Báo Người lao động