Giáo dục

Biên chế hay hợp đồng trong tuyển dụng giáo viên?

Lựa chọn giáo viên hợp đồng, xóa bỏ biên chế trong tuyển dụng có thể hạn chế được tình trạng trì trệ, "ngồi nhầm chỗ" của giáo viên!

LTS: Lý giải về xu hướng thích chọn giáo viên biên chế hơn giáo viên hợp đồng của nhiều Ban giám hiệu nhà trường, ThS. Bùi Minh Tuấn đã có những phân tích, đánh giá về hình thức chọn lựa giáo viên hợp đồng so với biên chế trong các nhà trường hiện nay.

Nếu 100% giáo viên được tuyển dụng sẽ giảng dạy theo chế độ giáo viên hợp đồng, ai dạy tốt sẽ được kí hợp đồng tiếp thì sẽ có tác động đến toàn ngành như thế nào?

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả quan điểm!

Không thể phủ nhận một thực tế đã và đang diễn ra là sự không đồng đều về mặt bằng chất lượng trong đội ngũ giáo viên ở các trường hiện nay và càng ngày, hình thức giáo viên hợp đồng càng phổ biến.

Tại sao hình thức giáo viên hợp đồng được ưu ái?

Trong những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra chủ trương đưa công nghệ thông tin vào trong các tiết học nhằm khai thác tối đa lợi thế của các thiết bị dạy học hiện đại, công khai điểm học trên mạng góp phần minh bạch hoá kết quả học tập của học sinh.

Tuy nhiên, không ít giáo viên tỏ ra e ngại, không chịu trang bị kiến thức cơ bản trong việc sử dụng các phương tiện, thậm chí còn cho rằng, đó không phải là việc “chuyên môn” nên không cần quan tâm.

Cùng với đó, việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, lấy học sinh làm trung tâm chưa được chú trọng, phương pháp dạy học “truyền thống” theo kiểu đọc-chép vẫn còn tồn tại.

Các trường đang có xu hướng tuyển ngày càng nhiều giáo viên hợp đồng (Ảnh: giaoducthoidai.vn).


Do không chịu nỗ lực tiếp cận, tìm tòi phương pháp dạy học mới, ngại tiếp xúc với những trang thiết bị dạy học hiện đại, nhiều giáo viên đã dần trở nên lạc hậu trước xu thế đổi mới của giáo dục.

Đáng nói là phần lớn trong số những giáo viên này thuộc diện biên chế, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, khi đã có được tấm bằng Đại học hoặc Cao đẳng sư phạm, lại có được “suất” biên chế, không ít giáo viên đã tự cho mình cái quyền "an phận".

Không còn nhiệt huyết như những ngày đầu, cuộc sống của các giáo viên cứ thế trôi đi, không trau dồi thêm chuyên môn, lương cứ đến hẹn lại lên, yên tâm đứng lớp cho đến ngày về hưu.

Theo quy định thì giáo viên hai năm liên tục bị xếp vào diện không hoàn thành nhiệm vụ sẽ phải ra khỏi ngành.

Mặc dù vậy, với cách đánh giá, xếp loại thi đua theo kiểu “cào bằng” đang xảy ra ở nhiều trường hiện nay thì hầu hết giáo viên đều là “lao động tiên tiến”, “hoàn thành nhiệm vụ”, hiếm có trường hợp nào bị thôi việc do không đủ năng lực. Điều này góp phần tạo sự trì trệ, triệt tiêu động lực phấn đấu, làm thui chột đội ngũ giáo viên.

Và như vậy, hình thức hợp đồng thay cho biên chế trong tuyển dụng giáo viên trở thành một hướng đi hữu ích để tránh tính thụ động, trì trệ cho giáo viên.

Ban giám hiệu nhờ vậy cũng “rộng đường” hơn trong việc chấm dứt hợp đồng đối với những giáo viên không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn.

Biện pháp này cũng giúp tăng thêm cơ hội tìm việc cho những sinh viên Sư phạm có học lực khá, giỏi đồng thời thu hút và ký hợp đồng với những người lao động có năng lực tham gia vào sự nghiệp giáo dục.

Tùy thuộc vào năng lực, mức độ hoàn thành công việc của giáo viên, Hiệu trưởng dễ dàng điều chỉnh các chế độ đãi ngộ tương xứng, góp phần đảm bảo công bằng trong môi trường Sư phạm.

Hình thức giáo viên hợp đồng cũng bộc lộ nhiều hạn chế

Mặc dù vậy, việc dùng giáo viên hợp đồng thay giáo viên biên chế cũng bộc lộ nhiều mặt tiêu cực.

Điều này đã gây ra sự xáo trộn trong đội ngũ giáo viên, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy của toàn ngành nhất là với các giáo viên ở vùng sâu, vùng xa.

Lao động Sư phạm là loại hình lao động mang nhiều nét đặc thù, cần sự ổn định để yên tâm công tác, sức hấp dẫn của chế độ biên chế cũng là động lực để các giáo viên hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

Việc dùng hình thức hợp đồng thay cho biên chế ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giảng dạy.

Một số giáo viên e ngại rằng: “Các giáo viên hợp đồng thường có tâm thế “đứng núi này trông núi nọ”, có nhiều người sẵn sàng bỏ nghề ra làm công việc khác chỉ vì coi nghề giáo như một giải pháp tình thế”, gây ảnh hưởng xấu sang cả những giáo viên khác.

Ở các nước phát triển như Mỹ, quốc gia có nền giáo dục tiên tiến này hiện nay vẫn đang sử dụng mô hình biên chế giáo viên.

Với cơ chế xét tuyển biên chế minh bạch, có các tiêu chí rõ ràng trong việc đánh giá năng lực cùng với chế độ đãi ngộ thỏa đáng, một mặt họ đã tạo được động lực cho những giáo viên trong biên chế tích cực phấn đấu, mặt khác lại thu hút được những người có năng lực vào dạy học.

Ở nước ta, trong vài năm gần đây chất lượng “đầu vào” của sinh viên Sư phạm lại đang có xu hướng “tụt dốc”.

Điểm xét tuyển của những trường đào tạo ngành Sư phạm thường thấp hơn nhiều so với các trường đào tạo khối ngành kỹ sư, kinh tế… với tâm lý chung của học sinh và phụ huynh là muốn có một công việc ổn định, ít va chạm.

Khi xóa bỏ hình thức biên chế thay bằng hình thức hợp đồng, không ít những học sinh giỏi muốn thi vào ngành Sư phạm đã từ chối chọn hướng đi này.

Với chế độ đãi ngộ “chênh vênh” như thế đã kéo theo chất lượng đầu vào của sinh viên sư phạm tiếp tục “xuống dốc”.

Thời gian qua, công tác đổi mới quản lý giáo dục đã được quan tâm nhưng chất lượng đội ngũ Hiệu trưởng vẫn chưa theo kịp với yêu cầu đặt ra.

Hàng năm, vẫn còn những vụ “lùm xùm” liên quan đến phẩm chất, năng lực của Hiệu trưởng như: bệnh thành tích, “nhập nhằng” công tác thu–chi tài chính, nhận hối lộ, …

Khi chuyển hình thức từ biên chế sang hợp đồng trong tuyển dụng giáo viên, tiến tới việc Hiệu trưởng quyết định mức lương của giáo viên thì vai trò của người Hiệu trưởng lại càng quan trọng.

Chuyển đổi mô hình từ biên chế sang hợp đồng đòi hỏi người Hiệu trưởng phải có tâm và có tầm thực thụ.

Có nghĩa là, bên cạnh nhiệt huyết với sự nghiệp giáo dục, người Hiệu trưởng còn phải có khả năng nhìn nhận, đánh giá đúng trình độ, năng lực của người giáo viên.

Lúc đó, “số phận” của giáo viên phụ thuộc nhiều vào sự định đoạt của những người có quyền ký tiếp hoặc chấm dứt hợp đồng, trong khi cơ chế xin-cho vẫn còn tồn tại, không ai dám chắc sẽ không có tiêu cực xảy ra.

Do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, chất lượng giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập.

Trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm thu hút giáo viên đến công tác, cống hiến.

Trong chế độ biên chế giáo viên miền núi, ngoài lương còn được hưởng các khoản phụ cấp hàng tháng, nhưng vẫn thiếu người trầm trọng. Nay lại chuyển sang hình thức giáo viên hợp đồng thì nguy cơ khủng hoảng giáo viên sẽ càng trầm trọng hơn!

Đổi mới chất lượng giáo dục phụ thuộc nhiều vào các yếu tố cấu thành khác như: đổi mới công tác quản lý, phương tiện, thiết bị, chương trình, sách giáo khoa…

Tuy nhiên, nếu như không có bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thì những sự đổi mới kể trên sẽ không mang lại hiệu quả.

Xác định được tầm quan trọng của đội ngũ giáo viên như là một “mắt xích” cốt yếu của quá trình giáo dục, đã đến lúc cần phải có những giải pháp mạnh mẽ mang tính đột phá để nâng “tầm” chất lượng đội ngũ giáo viên.

Việc xoá bỏ biên chế, thay bằng hình thức hợp đồng có thể là một giải pháp mang tính thực tế song cần cân nhắc để khắc phục những tồn tại, yếu kém của nó trước khi phổ biến rộng rãi.

Trước tình hình chất lượng “đầu vào” của sinh viên Sư phạm đang có chiều hướng giảm sút, không ít giáo viên có năng lực đã bỏ nghề vì đồng lương eo hẹp, đời sống khó khăn.

Nếu không có những cải thiện về chế độ, chính sách cho giáo viên thì việc xoá bỏ biên chế thay bằng hình thức hợp đồng có thể khiến cho đời sống phần đông giáo viên vốn đã vất vả càng trở nên bấp bênh hơn.

Và khi mà đời sống thiếu ổn định, người giáo viên chưa yên tâm chăm lo cho sự nghiệp của mình thì nâng cao chất lượng giáo dục vẫn còn là một bài toán nan giải.

Tác giả bài viết: ThS. Bùi Minh Tuấn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP