Tin địa phương

Bắt gọn toán biệt kích nhảy dù xuống Quảng Bình

Từ năm 1961 đến 1972, Mỹ đã tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện hàng trăm toán gián điệp, biệt kích, tung ra miền Bắc thu thập tình báo, xây dựng cơ sở ngầm, “chỉ điểm” cho máy bay Mỹ đánh phá các mục tiêu quan trọng, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) tỉnh Quảng Bình đã truy bắt nhiều toán gián điệp, biệt kích không chỉ ở khu vực biên giới, mà còn trong nội địa.

Năm 1966, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn điện vào Ty Công tỉnh Quảng Bình: “...Một toán kiệt kích đã nhảy dù xuống vùng Rễ Quạt, tỉnh Hà Tĩnh..., phải sử dụng lực lượng phong tỏa “khóa” chặt đường đi của chúng”.

Chỉ huy trưởng CANDVT tỉnh Quảng Bình.

Ông Trần Kim Giá, nguyên Chỉ huy trưởng CANDVT tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Hải Luận

Trinh sát từ trên đầu biệt kích

Qua công tác trinh sát nắm tình hình, ông Trần Kim Giá, nguyên Phó Ty Công an kiêm Chỉ huy trưởng CANDVT tỉnh Quảng Bình, nhận định: “Vùng Rễ Quạt không có đường chiến lược Trường Sơn, chỉ dân thường sinh sống, nó xuống đây để làm gì? Bọn biệt kích chỉ “mượn đất” Hà Tĩnh để đáp xuống, làm bàn đạp tiếp qua Quảng Bình nhằm đánh lừa ta. Mục tiêu hoạt động chủ yếu của chúng là đường 12, qua Lào vào miền Nam Việt Nam. Tôi chuẩn bị ngay phương án đánh địch trên đất Quảng Bình”.

CANDVT Quảng Bình đã sử dụng chó nghiệp vụ chiến đấu, tung lực lượng trinh sát phong tỏa toàn bộ cung đường chiến lược 12. Sau đó 1 ngày, khu vực địa bàn Đồn CANDVT Óc Sách, có một em bé ở xã Dân Hóa ngủ giữa rừng, dậy sớm, xuống suối bắt ốc, bắt cá, thấy 3 người lạ, da đen, tóc dài, mặc áo màu đen đi dọc suối, sau đó mất hút vào rừng. Em bé này đi dọc lên phía trên suối nhặt được chiếc cần câu mang về nhà, sau đó bố mẹ mang vào đồn nộp lại. “Tôi lấy mẫu dây cước gửi đi giám định ngay, có kết quả dây cước này sản xuất ở miền Nam chứ không phải của miền Bắc. Qua nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ và thống nhất với mấy anh lãnh đạo ở Ty Công an cho thấy, bọn biệt kích đã đột nhập ở vùng biên giới huyện Minh Hóa” – Ông Trần Kim Giá kể lại.

Sau một thời gian, ta đã xác định được “toạ độ” toán biệt kích đang trú quân vùng núi đá vôi hiểm trở. Tổ trinh sát Biên phòng do đồng chí Cương giỏi vũ thuật, trực tiếp chỉ huy Tổ trinh sát luồn rừng, lên đỉnh núi đá vôi, sau đó thả dây đu xuống. Đi kiểu này không để lại dấu vết, qua được mắt quan sát của biệt kích. Tổ trinh sát đã bí mật đột nhập hang đá, nơi toán biệt kích đang ẩn náu và đếm được 9 đôi dép.

Nổ súng tấn công

Xác định rõ vị trí của toán biệt kích, CANDVT Quảng Bình báo cáo với Bộ Tư lệnh CANDVT và Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Bộ trưởng gửi điện chỉ đạo: “...Không được đánh động, dùng lực lượng đánh biệt kích theo kiểu cuốn chiếu, đánh từ ngoài vào trong”. Ông Giá từng là Trung đoàn trưởng đánh Điện Biên Phủ, nêu vấn đề với Ban chuyên án ở giữa rừng: “Bây giờ đánh Mỹ khác với đánh Pháp trước đây. Mỹ giàu mạnh nên trang thiết bị vũ khí hiện đại, biệt kích được huấn luyện rất tinh nhuệ. Mỗi thằng từ máy bay nhảy dù xuống được trang bị 5 khẩu súng: Lúc ngủ, một súng kê trên đầu, một súng bên tay phải, một súng bên tay trái, một súng bỏ dưới chân... Nếu bị đánh động, nó lăn bên nào đều có súng bắn ngay. Nó cầm súng lên là nổ liền để lấy bình tĩnh, bọn biệt kích là ác ôn, cứ nhắm thẳng ta bắn. Ta đứng vây vòng tròn cho nó bắn à? Theo tôi, vòng tròn nhưng theo từng mũi: Mũi chính diện, mũi xuyên hông, mũi bao vây chọc hậu. Điều quan trọng phải giới hạn từng mũi ở đâu? Bắt địch ở đâu? Tối nay, ta phải tiến đánh ngay, nếu không, bị lộ, chúng chuyển đi nơi khác, rừng già rộng mênh mông, bắt được rất khó thì ăn nói làm sao với Bộ trưởng?”.

12 giờ đêm, các mũi tiến công bắt đầu xuất phát giữa trời tối đen như mực. Ông Giá áp dụng kinh nghiệm thời đánh Pháp, cho bắt con đom đóm dán sau lưng mỗi người, người sau thấy người trước, cứ thế nối nhau đi. Đến 5 giờ sáng, mũi áp sát báo cáo với ông Giá: “Bọn biệt kích đang ngủ say, có 9 đôi giày, các loại súng để rất nhiều”.

Ông Giá lệnh nổ súng tiến công; mở cương thả chó nghiệp vụ, xông lên. Hai tổ trinh sát ở gần đó cũng bất ngờ xông vào bao vây, bắt sống được 8 tên. “Tên toán trưởng Quất Tởm rất xảo trá chạy thoát xuống dưới suối trốn vào hang. Đồng chí Nông Minh Hoạt cho chó đuổi theo. Chó xông vào hang, đồng chí Hoạt đang đứng ở cửa hang, tên Tởm bắn một loạt, con chó chết tại chỗ. Hoạt bị thương nặng, nhưng anh vẫn dùng súng ngắn bắn xuyên chân tên Tởm, máu chảy dọc đường hắn trốn chạy. Tổ truy kích đến chậm, tên Tởm lén trốn đi mất hút” - Ông Giá tường thuật.

chiến tranh chống Mỹ

Trong chiến tranh chống Mỹ, đường Trường Sơn là tâm điểm hoạt động của các toán biệt kích "chỉ điểm" các mục tiêu cho máy bay Mỹ bắn phá, ngăn chặn sự chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh: Tư liệu

Ban chuyên án nhận định, tên Tởm trốn trong rừng, đói bụng thế nào nó cũng mò về lán kiếm ăn và gặp gỡ đồng bọn. Ông Giá quyết định cho rút quân, chỉ để lại một tổ trinh sát mật phục để bắt tên Tởm. Đồng chí Cung, Tham mưu phó CANDVT Quảng Bình đang ẩn nấp thì tên Tởm đi cà nhắc đến. Đồng chí Cung quát to: “Hàng thì sống, chống thì chết!”. Nghe vậy, các trinh sát đồng loạt xông đến bắt gọn tên Tởm.

Tởm là toán trưởng rất ngoan cố. Sau mấy ngày vừa răn đe, vừa thuyết phục, cuối cùng Tởm phải cúi đầu nhận tội. Hắn khai là người dân tộc thiểu số ở biên giới phía Bắc, chạy theo địch vào miền Nam, được Mỹ chiêu mộ và đưa sang Phi-líp-pin huấn luyện. Học xong, hắn được đưa về căn cứ tình báo ở Đà Nẵng. Nhiệm vụ lần này của nhóm biệt kích là ra vùng Quảng Bình lùng tìm các mục tiêu kho vũ khí, lương thực, nắm quy luật bộ đội hành quân trên đường Trường Sơn. Kèm theo hỗ trợ nhóm biệt kích, có loại máy bay U2 truyền tin, bay 24/24 giờ trên bầu trời để nhận tin chuyển ra Hạm đội 7, sau đó chuyển tiếp về trung tâm. Từ các thông tin của toán biệt kích thu thập được, không quân Mỹ điều máy bay ra ném bom phá hoại miền Bắc.

Tác giả: Hải Luận

Nguồn tin: Báo Biên phòng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP