Điều đáng nói, sự việc này diễn ra từ lâu nhưng đến nay cơ quan chức năng tại Quảng Bình vẫn chưa có biện pháp để đòi quyền lợi cho người lao động và cũng theo nhận định của ngành chức năng thì doanh nghiệp này không có khả năng để trả nợ bảo hiểm, điều này khiến cho người lao động đang lâm vào cảnh lao đao.
Theo nhận định của cơ quan chức năng thì Công ty CP SXVL&XD Cosevco 1 không có khả năng trả nợ bảo hiểm |
Ai sẽ bảo vệ quyền lợi cho người lao động?
Trước đó, ngày 21/12/2018, Báo Điện tử TN&MT đăng tải bài viết “Quảng Bình: Hơn 5 năm doanh nghiệp “chây ì” không đóng bảo hiểm cho hàng trăm công nhân?”, phản ánh về việc hơn 5 năm qua hàng trăm công nhân đang lao động tại Công ty CP SXVL&XD Cosevco 1 vẫn trừ 10,5% lương tháng nhưng không được đóng BHXH, BHTN. Việc đơn vị này nợ đọng tiền bảo hiểm hàng tỷ đồng, trong khi đó các công nhân vẫn bị trừ lương để đóng chi phí bảo hiểm khiến hàng loạt người lao động bất bình, lo lắng quyền lợi của mình.
Người lao động tại Nhà máy xi măng Cosevco 11 thuộc Công ty CP SXVL&XD Cosevco 1 cho biết, vào tháng 2/2018, khi nhận được sổ bảo hiểm thì mới phát hiện ra từ 8/2013 đến nay họ không được doanh nghiệp này đóng tiền bảo hiểm. Ngay sau đó, hàng trăm công nhân đã gửi đơn đến chức năng đòi quyền lợi; tuy nhiên, cho đến nay sự việc này vẫn chưa có hướng giải quyết.
Theo thống kê của BHXH tỉnh Quảng Bình, đến nay, Công ty CP SXVL&XD Cosevco 1 nợ tiền bảo hiểm của công nhân gần 53 tỷ đồng. Không những vậy, hơn 4 tháng nay hàng trăm công nhân tại Nhà máy xi măng Cosevco 11 cũng không được trả tiền lương theo quy định.
Liên quan đến việc Công ty CP SXVL&XD Cosevco 1 nợ tiền bảo hiểm của hàng trăm công nhân, ông Phạm Thành Đồng - Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết, việc nợ bảo hiểm đã diễn ra từ lâu nhưng đến nay chưa nhận được đơn phản ánh của người lao động. Đồng thời, ông Đồng cũng cho rằng lực lượng thanh tra sở chỉ có 4 người quá ít nên không thể thanh tra xử lý hết được.
Người lao động lâm vào cảnh lao đao khi quyền lợi của mình không được bảo vệ |
“Theo quy định của pháp luật là khởi kiện ra tòa được rồi. Biết là nợ lâu rồi nhưng sở chưa nhận được đơn thư của người lao động. Thanh tra cùng với bảo hiểm thanh tra hàng năm, thanh tra thu, chi và các chế độ lao động có biên bản, biết rõ việc này, thanh tra đã xử phạt rồi. Tuy nhiên, vẫn chưa có đơn, hơn nữa là xử phạt bây giờ quá đông. Sở Lao động bảo vệ quyền cho người lao động, nhưng cái này Liên đoàn lao động phải lên tiếng. Bây giờ chỉ có cầu cứu tỉnh có chính sách để hỗ trợ cho người ta, chính sách thì cũng phải chờ Trung ương, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ là chuyện bình thường. Nguyên tắc là Liên đoàn lao động khởi kiện nhưng Liên đoàn lao động chưa khởi kiện được. Đơn vị này nợ từ 19 tỷ, 20 tỷ, sau lên đến 30 tỷ và giờ không thể trả nợ được. Không chỉ riêng ngành lao động, ngành thuế, những cơ quan quản lý Nhà nước cũng bất lực với doanh nghiệp này”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Lương Bình - Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Bình lại cho rằng, việc nợ bảo hiểm của người lao động muốn khởi kiện phải có đơn ủy quyền của người lao động mới khởi kiện được và trách nhiệm để nợ bảo hiểm kéo dài với số tiền lớn như vậy thuộc về Bảo hiểm xã hội tỉnh.
Ông Nguyễn Lương Bình cho biết, ừ tháng 9/2018 đã chỉ đạo phối hợp với bảo hiểm ra ngoài, lập biên bản, doanh nghiệp có cam kết trả nợ theo lộ trình. Vừa rồi họp Hội đồng, ông cũng đã báo cáo, nhưng trường hợp đơn vị này cũng hơi khó giải quyết. Phương án đối với tổ chức công đoàn thì chỉ có làm văn bản gửi cho các doanh nghiệp đó thôi. Thẩm quyền khởi kiện là tổ chức công đoàn, muốn khởi kiện người lao động ủy quyền cho công đoàn cơ sở báo cáo, công đoàn cấp trên mới khởi kiện chứ không phải Liên đoàn lao động đứng ra khởi kiện. Trong khi, giữa Tòa án tối cao với Tổng liên đoàn lao động chưa có hướng dẫn cụ thể, nên thụ lý đơn này qua tòa án gặp khó khăn.
"Đáng lẽ, bảo hiểm xã hội phải đứng ra khởi kiện, chứ không nên đưa tổ chức công đoàn khởi kiện. Chức năng của tổ chức công đoàn là đại diện bảo vệ quyền cho người lao động, nhưng cũng có chức năng trung tâm để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa. Đứng giữa người chủ, nếu đi kiện một bên nào đó nó không hợp lý. Nhà nước giao bên Bảo hiểm có chức năng thu, quản lý; nếu ai không nộp thì khởi kiện, chứ lại đá quả bóng qua cho liên đoàn nó không đúng lắm” - Ông Nguyễn Lương Bình nói.
Ở một diễn biến khác, theo những công nhân đang làm việc tại Nhà máy xi măng Cosevco 11, mấy năm nay họ vẫn làm việc bình thường, sản lượng hàng bán ra tại đơn vị này không có tồn kho nhưng không hiểu sao doanh nghiệp lại không thực hiện đóng bảo hiểm cho họ.
Quyền lợi của hàng trăm công nhân đáng ra họ đều được hưởng nhưng theo quy định nhưng nay việc doanh nghiệp chây ì tiền bảo hiểm nhiều năm trời với số tiền hàng chục tỷ đồng quá lớn khiến người lao động lâm vào cảnh không biết kêu ai. Mà theo đánh giá của cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi người lao động thì doanh nghiệp này không có khả năng trả nợ.
Câu hỏi đặt ra là, cơ quan nào bảo vệ, đòi lại quyền lợi cho người lao động?.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này!
Tác giả: Hồng Thiệu
Nguồn tin: Báo Tài Nguyên & Môi Trường