Giáo dục

Bảng chỉ tiêu chất lượng như cái khuôn "ụp" lên các lớp

Không thể nào đòi hỏi học sinh nào cũng phải khá, giỏi khi mà mỗi em có một màu sắc khác nhau về phẩm chất, năng lực. Tuy nhiên, giáo dục của chúng ta vận hành theo nguyên lý cào bằng, vì vậy bảng chỉ tiêu chất lượng bộ môn như một cái khuôn “ụp” đều lên các lớp.

Năm học này tôi nhận chuyên môn giảng dạy bộ môn Ngữ Văn trung học cơ sở ở bốn lớp. Bao giờ cũng vậy, trước khi nhận lớp, tôi thường thông qua nhiều kênh thông tin để nắm tình hình học tập, chất lượng của lớp giảng dạy để có phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phù hợp. Năm nay, tôi “choáng” thật sự khi biết trong số đó có một lớp 7 gần 40 em chỉ có 2 học sinh trung bình, còn lại đều là học sinh khá và giỏi.

Sự ngạc nhiên, sững sờ ấy xuất phát từ thực tế là trường tôi chỉ là một ngôi trường rất bình thường ở vùng ven thành phố, không phải trường chuyên, lớp chọn, lớp 7 đó lại càng không phải lớp học nổi bật về thành tích trong hai năm qua. Vậy mà, số lượng học sinh khá, giỏi của lớp lại cao chót vót, ai cũng ngầm hiểu chất lượng ấy do đâu mà có, vì sao lại vượt chỉ tiêu cao như thế.

Thành tích của một học sinh phụ thuộc vào năng lực học tập của các em ở nhiều bộ môn. Tuy nhiên, hai môn Toán và Ngữ Văn có tầm quan trọng đặc biệt. Tôi là giáo viên Ngữ Văn nên gánh nặng đạt chỉ tiêu trên vai tôi cũng nặng nề hơn. Lời nhắc nhở của ban giám hiệu nhà trường rồi lời nhờ vả của giáo viên chủ nhiệm cứ vang lên đều đều.

Nhà trường phải thi đua nên nhà trường nhắc nhở, giáo viên chủ nhiệm phải thi đua nên họ nhờ vả. Còn giáo viên bộ môn như tôi có thi đua không? Tất nhiên là phải thi đua, không ai có quyền đứng ngoài cái vòng thi đua trong toàn ngành giáo dục.

“Thi đua dạy tốt, học tốt hoàn thành nhiệm vụ năm học” là câu khẩu hiệu quá quen thuộc. “Nhiệm vụ năm học” đó chính là hoàn tất công tác giảng dạy và giáo dục học sinh, mà căn cứ đánh giá chủ yếu dựa phần lớn vào chất lượng học sinh có đạt những con số chỉ tiêu đưa ra hay không.

Bộ môn Ngữ Văn có những đặc thù riêng về năng lực, cảm nhận, khả năng thẩm mĩ. Không thể nào đòi hỏi học sinh nào cũng phải khá, giỏi khi mà mỗi em có một màu sắc khác nhau về phẩm chất, năng lực. Tuy nhiên, giáo dục của chúng ta vận hành theo nguyên lý cào bằng, vì vậy bảng chỉ tiêu chất lượng bộ môn như một cái khuôn “ụp” đều lên các lớp.

Giáo viên không hề có một chút “quyền” nào trong việc đăng ký chất lượng bộ môn và càng ngày lại càng mất dần đi cái quyền “dạy thật, đánh giá thật”. Nếu dạy thật theo hướng phát triển năng lực học sinh, dạy phân hóa theo từng đối tượng học sinh trong lớp thì chắc chắn điểm số kiểm tra, thi cử sẽ không cao.

Bên cạnh việc dạy cho học sinh hiểu bài, chúng tôi chú trong nhiều hơn việc dạy cho học sinh làm được bài. Bởi đề thi từ Phòng, Sở luôn đề cao việc gắn với thực tiễn, tăng ứng dụng nhưng phần lớn vẫn là trả lời những câu hỏi đã thuộc lòng, giải lại bài toán đã thay đổi số liệu hoặc là làm lại một dạng đề văn trong chương trình, đề cương ôn tập.

Đọc bài viết “Giáo viên dùng bạo lực với học trò vì… thi đua” của tác giả Hoài Nam, tôi và có lẽ là nhiều giáo viên khác đã thấy bóng dáng của mình trong đó. Đôi ba lần chúng tôi khẽ roi vào tay học sinh vì không làm bài tập. Đôi ba lần chúng tôi buộc trò chép phạt vì chưa thuộc bài. Đôi ba lần chúng tôi ép trò học theo kiểu nhồi nhét kiến thức bởi sắp thi…

“Giáo viên vì áp lực, trong đó chạy theo thành tích thi đua dẫn đến nhiều phương pháp, hành vi phản sự phạm trong giáo dục. Giáo viên có một nỗi ám ảnh rất lớn là… học trò bị điểm thấp. Điểm số đó, giáo viên biết rõ hơn ai hết có thể không phản ánh đúng năng lực của các em nhưng kết quả đó lại phản ánh điểm thi đua của giáo viên…”. Đó là quan điểm của tác giả Hoài Nam trong bài viết. Lẽ nào người thầy đã sai?

Ai làm nghề giáo mà chẳng yêu thương học trò, chẳng muốn trò đạt kết quả tốt và trở thành người có ích cho xã hội. Và yêu thương trò đâu có nghĩa là chỉ cảm hóa trò bằng tấm gương mẫu mực, sáng trong của người thầy. Đôi khi, một vài lời nhắc nhở nghiêm khắc, răn lại phát huy tác dụng giúp trò tiến bộ hơn trong học tập.

Tuy nhiên, nhiều người thầy đã sai hoàn toàn khi bao biện rằng yêu thương trò mới đánh, đánh đến mức thâm tím cánh tay, bắp chân. Người thầy đã sai hoàn toàn khi bao biện “giúp trò lên lớp” bằng cách sửa điểm, nâng điểm học sinh. Và người thầy càng sai lầm hơn nữa khi chạy theo thành tích cá nhân mà đồng tình với sự giả dối trong giáo dục.

Tôi rất thấm thía câu nói của tác giả Hoài Nam: “Giáo dục nguy hiểm nhất là không nhìn nhận năng lực của người học và sự gian dối. Mà hai yếu tố này chúng ta đều đang mắc phải khi mải mê chạy theo thành tích, thi đua”.

Thấm thía nhưng chúng ta làm được gì, xoay chuyển thế nào khi ngành Giáo dục thì giương cao ngọn cờ thi đua và cả xã hội đang cổ vũ thành tích?

Tác giả: Nguyễn Thùy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP