Việc này đặt ra câu hỏi về công tác quản lý nhà nước đối với việc hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi trên sông Gianh.
Tăng cường quản lý khai thác cát, sỏi
Theo ông Lê Nam Giang, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết, trên địa bàn huyện hiện có 12 tổ chức, cá nhân được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại 8 điểm mỏ.
Tổng trữ lượng được phép khai thác gần 954.000m3, công suất được phép khai thác là 100.600m3/năm. Đến tháng 7/2024, có 11 tổ chức, cá nhân đang hoạt động khai thác và 1 tổ chức (Công ty CP Đầu tư du lịch và nông nghiệp công nghệ cao Quảng Bình) dừng hoạt động khai thác.
Trong 8 điểm mỏ có 2 điểm liền kề (mỏ cát bãi Bơi, xã Tiến Hóa và bãi Rì Rì, xã Văn Hóa) được cấp 6 giấy phép khai thác cho 6 tổ chức thông qua đấu giá (3 giấy phép tại khu vực bãi Bơi) và không đấu giá (3 giấy phép) từ năm 2013, 2014. Theo báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản năm 2023, các đơn vị khai thác đúng theo công suất được phép khai thác.
Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình bắt quả tang thuyền gỗ khai thác cát trái phép trên sông Gianh (Ảnh: Công an tỉnh Quảng Bình). |
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa, thời gian qua, UBND huyện đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết và kinh doanh cát, sỏi lòng sông.
Đặc biệt, đã kiện toàn Đoàn liên ngành kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết và kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn huyện Tuyên Hóa; phối hợp với Sở Tài nguyên-Môi trường và các đơn vị có liên quan kiểm tra, xử lý thông tin theo phản ánh của công dân về hoạt động khai thác cát lòng sông trái phép; chỉ đạo Công an huyện, Đoàn liên ngành huyện bố trí phương tiện xuồng cao tốc, tổ chức các đợt tuần tra, kiểm tra; chỉ đạo UBND các xã duy trì các tổ kiểm tra liên ngành thường xuyên tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn theo thẩm quyền...
Cùng đó, UBND huyện đã cấp kinh phí để hỗ trợ các xã vùng hạ lưu sông Gianh thuộc huyện, Đoàn liên ngành của huyện tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm với số tiền 935 triệu đồng. Riêng 6 tháng đầu 2024 đã cấp 425 triệu đồng (trong đó, 325 triệu đồng hỗ trợ công tác tuyên truyền, tuần tra kiểm soát và 100 triệu đồng lắp đặt camera giám sát hoạt động khai thác cát trái phép).
Thường xuyên chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc khai thác khoáng sản trên địa bàn, nhất là khai thác cát, sỏi lòng sông; đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện chấp hành nghiêm các quy định pháp luật.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Công an huyện, Đoàn liên ngành huyện phối hợp với các phòng chuyên môn, UBND các xã tổ chức các đợt tuần tra, kiểm tra; phối hợp tuần tra, kiểm tra hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép. Kết quả đã phát hiện 14 trường hợp vận chuyển cát trái phép, không rõ nguồn gốc và chuyển hồ sơ xử lý theo thẩm quyền.
Chưa thể giải quyết dứt điểm nạn khai thác cát, sỏi trái phép
Theo ông Lê Nam Giang, hiện vẫn chưa giải quyết dứt điểm được tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn.
Bên cạnh thiếu nhân lực và phương tiện để tuần tra, kiểm tra, theo ông Lê Nam Giang, nguyên nhân chưa giải quyết dứt điểm được tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn còn do một số điểm tập kết cát trái phép ở vùng giáp ranh là xã Cảnh Hóa, Phù Hóa thuộc huyện Quảng Trạch chưa được xử lý dứt điểm.
Các tàu khai thác cát trái phép chủ yếu là của các hộ dân 2 xã này tiến hành vào ban đêm và khai thác trái phép thuộc khu vực giáp ranh giữa huyện Tuyên Hóa với huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn nên rất khó kiểm tra, xử lý.
Một bãi tập kết cát bên sông Gianh (Ảnh: Bùi Thành). |
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Ủy ban nhân dân huyện Quảng Trạch cũng cho biết, trên địa bàn huyện không có mỏ cát được cấp phép hoạt động dọc sông Gianh mà chỉ có 3 bãi tập kết cát, sỏi lòng sông được cấp phép cho các đơn vị, gồm: Công ty TNHH Trần Quế Chi tại xã Liên Trường, Công ty TNHH Miền Tây và Công ty TNHH TM&XDTH Sơn Hà tại xã Cảnh Hóa.
Thời gian qua, công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản được chú trọng.
Công an huyện thành lập tổ thường trực chốt ở 2 xã Cảnh Hóa và Phù Hóa để thường xuyên tuần tra, xử lý các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép. Đến nay, huyện đã xử lý vi phạm hành chính 14 vụ/15 đối tượng có hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép, với tổng số tiền xử phạt hơn 400 triệu đồng, trong đó khởi tố 1 vụ với 1 đối tượng.
Hiện nay, việc khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông đã giảm nhưng vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Các đối tượng vi phạm lợi dụng ban đêm, sử dụng các phương tiện nhỏ, cơ động để hút trộm cát ở các khu vực giáp ranh với huyện Tuyên Hóa và thị xã Ba Đồn. Bên cạnh đó, đối tượng vi phạm luôn bố trí người theo dõi hoạt động của chốt, tổ tuần tra của huyện, xã nên việc phát hiện vi phạm còn gặp khó khăn.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình Trần Hải Châu cho rằng, dù tình trạng khai thác, tập kết và vận chuyển cát, sạn trái phép trên sông Gianh dù đã giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do công tác quản lý chưa thật chặt chẽ, hiệu quả.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình cũng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã cần thường xuyên phối hợp kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm ở các khu vực giáp ranh trên sông Gianh; lắp đặt camera tại các bãi tập kết cát và tại các mỏ cát đã cấp phép để giám sát việc khai thác và vận chuyển cát.
Công an tỉnh tăng cường lực lượng, trang thiết bị cho lực lượng các huyện, xã tại các địa bàn trọng điểm về khai thác cát, sỏi trái phép để thực hiện nhiệm vụ được tốt hơn.
Xem xét, đề nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép mà không kịp thời phát hiện, xử lý.
Tác giả: Ngô Thị Huyền
Nguồn tin: nguoiduatin.vn