Tin địa phương

Quảng Bình xử phạt 1,1 tỷ đồng khai thác cát trái phép; phát hiện nhiều thiết bị y tế nhập lậu

Bản tin Chống buôn lậu ngày 1/10/2023: Lực lượng QLTT và các lực lượng chức năng đã xử phạt gần 1,1 tỷ đồng doanh nghiệp khai thác cát trái phép tại Quảng Bình.

Xử phạt gần 1,1 tỷ đồng liên quan đến khai thác cát lòng sông trái phép

Ngày 1/10 Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, lực lựng chức năng xử phạt gần 1,1 tỷ đồng các cơ sở khai thác cát trái phép.

Thuyền khai thác cát lòng sông trái phép bị lực lượng Công an huyện Quảng Ninh phát hiện, bắt giữ

Theo đó, trong năm 2022, Công an huyện Quảng Ninh đã bắt, xử lý 23 vụ/34 đối tượng với số lượng cát thu giữ là 335 m3 cát, xử phạt hơn 374 triệu đồng. Đặc biệt, trong năm 2022, Công an huyện Quảng Ninh đã phát hiện, bắt quả tang Trần Viết Hoàn (SN 1980, trú tại thôn Xuân Dục 2, xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh) đang có hành vi khai thác cát trái phép trên sông Long Đại.

Riêng 8 tháng đầu năm 2023, Công an huyện Quảng Ninh đã phát hiện, xử lý 26 vụ/36 đối tượng, thu giữ 322,3 m3 cát, xử phạt gần 1,1 tỷ đồng. Điển hình, vào ngày 27/9/2023, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (PC03) Công an tỉnh Quảng Bình và Công an huyện Quảng Ninh đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý bãi tập kết vật liệu cát, sỏi tại thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh thuộc Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Phúc do Nguyễn Văn Hoàng làm Giám đốc. Qua kiểm tra phát hiện có khoảng 600 m3 cát xây dựng không có nguồn gốc hợp pháp.

Nhóm hàng thuộc lĩnh vực y tế bị làm giả và nhập lậu nhiều

Ngày 1/10 Báo Hải Quan Online có bài: TP. Hồ Chí Minh: Nhóm hàng thuộc lĩnh vực y tế bị làm giả và nhập lậu nhiều

Tân dược giả bị Công an TPHCM phát hiện, thu giữ

Theo Ban chỉ đạo 389 TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2022 và 8 tháng năm 2023, tình hình buôn lậu, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, an toàn vệ sinh thực phẩm, vi phạm các quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp với phương thức thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, khó lường.

Trong đó, tình hình vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm thực phẩm chức năng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tiếp tục diễn ra trên tuyến, địa bàn và phương thức thủ đoạn tinh vi.

Các đối tượng sản xuất thuốc tân dược giả tráo đổi hàng nội thành hàng ngoại hoặc núp bóng các doanh nghiệp có chức năng sản xuất tân dược và thực phẩm chức năng để tổ chức sản xuất thuốc tân dược và thực phẩm chức năng giả; giả các loại sản phẩm đã được đăng ký độc quyền của các công ty trong nước và nước ngoài với quy mô lớn; lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư cấu kết với các đối tượng nước ngoài, sử dụng phương tiện công nghệ kỹ thuật cao để buôn lậu, một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài, không tổ chức sản xuất tại Việt Nam mà chỉ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, sau đó thay nhãn mác ghi xuất xứ Việt Nam rồi xuất khẩu đi các nước khác.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, các lực lượng chống buôn lậu của TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện xử lý hàng trăm vụ vi phạm. Năm 2022, phát hiện 658 vụ, trị giá hàng hóa gần 78 tỷ đồng. Trong đó, cơ quan Công an đã khởi tố 2 vụ, với 6 bị can. Trong 8 tháng năm 2023, các lực lượng chức năng phát hiện trên 600 vụ, trị giá hàng hóa trên 10,5 tỷ đồng; trong đó có 1 vụ bị khởi tố hình sự với 8 bị can.

Tác giả: Hương Trần

Nguồn tin: congthuong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP