Cuộc sống

Ba ngày Tết, nhiều phụ nữ như osin, khách lạ tại nhà chồng

Về quê chồng ăn Tết đang trở thành nỗi niềm của nhiều nàng dâu mới. Không chỉ đầu bù tóc rối với những chậu bát bày la liệt, họ còn phải khéo léo trong cách cư xử với bố mẹ chồng để không mang tiếng "dâu vụng".

Tới giờ nhớ lại, chị Hoàng Mai (Phú Thọ) vẫn không giấu nổi cảm xúc mệt mỏi khi nói về cái Tết ở quê chồng.

Chị Mai chia sẻ: “Mình sợ nhất là ăn Tết ở quê chồng, không phải mình không hòa hợp với bố mẹ chồng mà mình "sợ Tết".

Vẫn nhớ, Tết đầu tiên về làm dâu mình đã phải ngồi gù lưng rửa 6 mâm bát đĩa. Dù đã cầu cứu chồng giúp, nhưng mẹ chồng mình nhất quyết không cho anh làm. Bà bảo: “Nó là kinh doanh, đầu năm con phải để nó nghỉ ngơi không thì cả năm nó tất bật, mình là phụ nữ nên cố gắng con ạ”. Mẹ chồng mình vốn hiền lành, thương con dâu, nhưng vì bà bận tiếp khách nên không làm giúp con dâu được".

Cũng theo chị Mai, không chỉ ngập đầu trong đống bát đĩa, chị còn tất bật khi phải đi chợ, chuẩn bị mâm cỗ. Bởi lẽ, bố chồng chị là trưởng tộc, nhà chồng cũng chỉ có anh là con trai, nên việc mâm cỗ phải thường xuyên, đầy đủ. Mẹ chồng chị cũng động viên chị cố gắng nhưng chị vẫn bị kiệt sức do Tết nhất.

“Không chỉ Tết Âm lịch, Tết Dương lịch, nhà chồng mình vẫn phải mâm cao cỗ đầy để chào đón năm mới. Với lại, gia đình bên chồng mình khá đông anh em, họ hàng nên cứ ngày lễ Tết họ lại về quê và tới nhà chồng mình chơi”, chị Mai chia sẻ.

Chị Mai nhìn thấy những chồng bát đĩa thì chị cảm thấy sợ (Ảnh minh họa).

Cùng chung nỗi niềm với chị Mai, chị Thu Hoài (27 tuổi, Vĩnh Phúc) không giấu nổi sự mệt mỏi: “Không chỉ tất bật cơm nước, rửa bát,… mà mỗi lần về nghỉ lễ tết tại quê chồng, mình lại phải đánh vật với những chậu quần áo to đùng của 8 thành viên trong nhà chồng.

Đã nhiều lần mình ngỏ ý mua máy giặt, nhưng mẹ chồng mình đều gạt đi. Bà kêu giặt máy tốn điện và khuyên mình nên vận động cho chân tay cứng cáp. Nói thật, bà không bắt mình giặt, nhưng chả nhẽ, mình để cho mẹ chồng hoặc chồng làm thì… còn mặt mũi nào chứ”, chị Hoài chia sẻ.

Cũng theo chị Hoài, vì vợ chồng chị thi thoảng mới về nên phòng anh chị cũng không sắm sửa tươm tất lắm. Ngay cả chiếc giường cũng cũ kỹ, nhiều đêm, hai vợ chồng phát ngượng vì hễ trở mình giường lại kêu “cót két”. Vì thế, những ngày lễ Tết về quê là chị phải cấm chồng không được “yêu”.

Còn chị Hải Phương (28 tuổi, Nam Định) thì lại ví mình như “khách lạ” ở nhà chồng. Bởi lẽ, bố mẹ chồng chị khá kỹ tính trong lời ăn tiếng nói. Chỉ cần con dâu nói điều gì không vừa ý, là ông bà dễ dàng lên tiếng dạy bảo, chỉ trích. Vì thế, ngay cả đi đứng, nói năng, chị luôn phải giữ ý tứ.

Một số nàng dâu cảm thấy không thoải mái khi ăn Tết ở nhà chồng (Ảnh minh họa).

Thậm chí, ngay cả khi định ăn món gì, nấu món gì, chị để phải mở lời để hỏi bố mẹ chồng. “Mình phải ý tứ, hỏi trước hỏi sau để tránh nấu không đúng ý ông bà. Ngay cả khi mệt, không ăn được cơm, mình cũng phải xin phép nói rõ ngọn ngành mới được về phòng. Nếu tự ý lên phòng không chào hỏi, bố mẹ chồng lại chê mình hỗn, không phải phép”, chị Phương chia sẻ.

Tác giả: Phương Vy

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP