Một ngày cuối năm Đinh Dậu, chúng tôi có dịp trở lại xóm nghèo ven biển thuộc xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) để gặp cô giáo Nguyễn Thị Thông. Vốn sinh ra và lớn lên ở vùng quê ven biển, cô giáo Nguyễn Thị Thông (SN 1946) thấu hiểu nỗi vất vả, khó khăn của người dân và đặc biệt là các em học sinh nơi đây.
Lớp học tình thương của cô giáo Nguyễn Thị Thông |
Sau 35 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người và từng là hiệu trưởng trường Tiểu học và vinh dự được phong tặng Nhà giáo ưu tú từ năm 1997, nhưng đến khi về nghỉ hưu, cô giáo Thông vẫn đau đáu với nghề, thương những đứa trẻ nghèo quê mình.
“Tôi đã có hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục của địa phương, đến năm 2001 thì về nghỉ hưu nhưng vẫn yêu nghề, nhớ trường, nhớ lớp, đặc biệt thấy các em bị tật nguyền và nhiều học sinh nghèo ở địa phương không được đến lớp. Từ suy nghĩ đó, tôi đã báo cáo chính quyền địa phương cho phép mở lớp học tình thương”, cô Thông chia sẻ.
Học sinh của cô giáo Thông chủ yếu là những em kém may mắn trong xã hội |
Cũng bởi thế, ở vùng quê ven biển này, không ai là không biết và cảm phục trước tấm lòng của cô giáo Thông cũng như lớp học tình thương của “bà giáo già”. Ngày trước, do điều kiện nên lớp học được mở ngay lối ra vào ngôi nhà của cô Thông và bàn ghế học tập của học sinh là những cánh cửa nhà, cửa bếp rồi dùng gạch bể kê lên để cho các em có chỗ ngồi học, rồi hợp tác xã lúc bấy giờ cũng tạo điều kiện cho mượn địa điểm để dạy chữ.
Thời điểm chúng tôi đến là những ngày cuối năm, nhưng lớp học của cô giáo Thông vẫn đang hoạt động. Học sinh trong lớp chủ yếu là các em khuyết tật và thiểu năng trí tuệ.
"Bà giáo già" tận tình chỉ dạy cho học sinh |
Không chỉ dạy kiến thức cho các cháu học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 vào ban ngày, mà tối đến, tại Trung tâm học tập cộng đồng, cô Thông còn mở các lớp học tập đọc, viết và dạy văn hóa cho những người cao tuổi từ 20-60 tuổi. Đã có hàng trăm học sinh được học chữ từ lớp học tình thương của cô giáo Thông. Cũng từ lớp học này, có em học sinh đã đậu vào Cao đẳng.
“Tôi cảm thấy tự hào khi những thế hệ học sinh tôi giảng dạy, dù các em bị khuyết tật hay thiểu năng, nhưng các em đều biết đọc, biết viết và đến lớp rất chăm chỉ. Có những em do bị khuyết tật đi học rất khó nhọc, phải cõng đến lớp, có những em do chân tay yếu phải ngồi xe lăn cùng bạn đến lớp”, cô Thông chia sẻ.
Đã hơn 15 năm qua, có biết bao thế hệ học sinh được cô giáo Thông dạy chữ |
Việc duy trì được lớp học rất khó khăn khi độ tuổi học sinh không đồng đều, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ban đầu còn nhiều thiếu thốn, hơn nữa, học sinh chủ yếu thuộc hộ nghèo thiếu ăn, thiếu mặc. Từ thực tế đó, cô Thông đã phải tự mày mò để tìm ra phương pháp phù hợp để các em đều có thể hiểu được kiến thức mà mình truyền đạt.
Cứ như thế, hơn 15 năm qua, cô giáo Thông vẫn miệt mài với những lớp học của mình. Hình ảnh bà giáo già cần mẫn, tận tình chỉ dạy cho học sinh đã quá quen thuộc với bao thế hệ học trò cũng như người dân nơi vùng quê biển Ngư Lộc.
Từ năm 2010, chính quyền địa phương đã quan tâm, bố trí một phòng học tại Trung tâm học tập cộng đồng để cô giáo Thông làm lớp học tình thương.
“Với tôi, việc mở lớp học không nghĩ là được các cấp, các ngành tặng bằng khen này nọ mà là muốn góp phần xây dựng xã mình sớm hoàn thành chỉ tiêu về văn hóa, giáo dục trong xây dựng nông thôn mới”, cô Thông cho biết.
Năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng cô Thông vẫn nhiệt tình đứng lớp dạy chữ cho học sinh nghèo |
Năm nay đã ngoài 70 tuổi và có hơn 50 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người và mở lớp học tình thương khi về hưu, cô giáo Nguyễn Thị Thông chính là “bà đỡ” của những em học sinh nghèo, khuyết tật. Hơn 15 năm qua, đã có bao thế hệ học được học con chữ và trưởng thành từ lớp học tình thương của cô giáo Thông.
Với những cống hiến của mình, năm 2014, cô Thông vinh dự được Chủ tịch nước gửi thư khen và được Thủ tướng tặng Bằng khen cũng như các Bộ, ban, ngành, UBND tỉnh Thanh Hóa tặng nhiều Bằng khen và Giấy khen. Ngoài ra, năm 2017 cô Thông cũng được trao tặng giải thưởng KOVA.
Tác giả: Duy Tuyên
Nguồn tin: Báo Dân trí