Một tên lửa đất đối không tầm trung của Ấn Độ hợp tác sản xuất với Israel. (Ảnh minh họa: Youtube) |
Sputnik đưa tin, Ấn Độ ngày 28/12 đã phóng tên lửa Phòng không hiện đại (AAD) do chính nước này phát triển, bắn hạ tên lửa đạn đạo tầm ngắn Prithvi. Vụ thử thành công chứng minh khả năng thay đổi quỹ đạo trên không của tên lửa AAD.
“Đó là một cú bắn trực tiếp và thành công rực rỡ. Bài thử nghiệm hôm nay đã được tiến hành nhằm kiểm tra các thông số của tên lửa trong từng chế độ bay khác nhau và đều thành công”, một quan chức quốc phòng giấu tên chia sẻ với Hindustan Times.
Tên lửa AAD dài khoảng 7,5m và được trang bị hệ thống định vị hiện đại do chính Ấn Độ sản xuất. Tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, có chức năng dẫn đường và có thể theo dõi mục tiêu một cách độc lập.
Quan chức quốc phòng Ấn Độ cho biết việc thử thành công AAD mở đường cho việc sớm đưa tên lửa này vào biên chế không quân nước này. Đây là lần thử thứ 3 của AAD chỉ tính riêng trong năm 2017. Hai lần thử trước đó diễn ra vào tháng 2 và tháng 3.
AAD có ý nghĩa lớn với Ấn Độ trong việc xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo nhiều lớp (BMD). Ấn Độ đã bắt đầu phát triển hệ thống phòng không hai lớp từ năm 1999 gồm lớp đánh chặn tầm xa Prithvi Air Defence (PAD) và lớp đánh chặn tầm thấp AAD. Hệ thống BMD không đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm xa vì Ấn Độ chế tạo nên hệ thống BMD nhằm đối phó với mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ 2 nước láng giềng Pakistan và Trung Quốc nhất là trong bối cảnh Islamabad và Bắc Kinh đang tăng cường hợp tác quân sự.
Do công nghệ đánh chặn tên lửa đạn đạo rất phức tạp nên đến nay mới chỉ có 4 quốc gia trên thế giới triển khai hoàn thiện hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo là Trung Quốc, Nga, Israel và Mỹ.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí