Ngư dân Ấn Độ đánh bắt thủy sản trên sông Brahmaputra (Ảnh: AFP) |
Cuối tuần qua, ông Sarbananda Sonowal, quan chức bang Assam, Ấn Độ cho biết sông Brahmaputra (Trung Quốc gọi là sông Yarlung Tsangpo) chảy qua bang này bị nhiễm độc vi khuẩn và sắt. Ông cho biết kết quả xét nghiệm tại phòng thí nghiệm cho thấy nguồn nước không đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt cho người dân.
Ông Sonowal cáo buộc chính những công trình xây dựng của Trung Quốc ở thượng nguồn con sông này là nguyên nhân gây ô nhiễm cho sông Brahmaputra và kêu gọi chính phủ Ấn Độ lên tiếng về vấn đề này với Bắc Kinh.
Sông Yarlung Tsangpo bắt nguồn từ dãy núi Himalaya, Tây Tạng và đi vào Ấn Độ qua sông Siang ở phía bắc bang Arunachal Pradesh trước khi chảy đến sông Brahmaputra và đổ ra biển tại vịnh Bengal.
Tuần trước, ông Pema Khandu, quan chức bang Arunachal Pradesh, bang nằm sát biên giới Trung Quốc đã viết thư cho Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Rajnath Singh cho biết nguồn nước sông Siang đã bị ô nhiễm trong vòng 2 tháng qua và yêu cầu một cuộc điều tra liên bang về vấn đề này.
Trong bức thư gửi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, ông Lungkang Ering, một quan chức huyện East Sing, bang Arunachal Pradesh viết: “Trung Quốc có thể sẽ thoái thác, nhưng chúng tôi nghi ngờ rằng Trung Quốc xây dựng hầm ngầm chuyển hướng dòng chảy sông Yarlung Tsangpo tới tỉnh Tân Cương, đặc biệt là vùng sa mạc Taklamakan”.
Ông Nayan Sharma, nhà thủy văn hàng đầu của Ấn Độ tại Viện Công nghệ Ấn Độ Roorkee, cho biết Trung Quốc đang xây dựng hàng loạt các con đập trên thượng nguồn sông Yarlung Tsangpo, trong đó đập Zampo chỉ cách biên giới Ấn Độ 3-4 km.
Phía Trung Quốc ngày 12/12 phủ nhận họ không hay biết về dự án mà các quan chức Ấn Độ đề cập tới. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ không phản hồi về việc New Delhi có phản ứng với Trung Quốc về vấn đề này hay không.
Theo ông Sharma, nguyên nhân gây nên ô nhiễm có thể là do hoạt động xây dựng của Trung Quốc ở thượng nguồn hoặc do hậu quả của trận động đất ở gần khu vực thượng nguồn hồi tháng trước. Các chuyên gia thủy văn cho rằng việc mở cuộc điều tra liên bang là điều cần làm vì ô nhiễm trên nhánh sông này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái cũng như sinh kế của ngư dân sống quanh con sông.
Tác giả: Đức Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí