Giáo dục

Ám ảnh “điệp khúc” xin điểm cuối học kỳ

Đọc bài viết “Khi nhà trường và phụ huynh đều thích “điểm đẹp” trên Dân trí, tôi chợt nhớ lại câu chuyện mới diễn ra mấy hôm gần đây mà tôi nghe hoặc chứng kiến được.

Cô em họ là giáo viên trung học cơ sở kể: Sau đợt kiểm tra học kỳ 2 của trường, cô được một học sinh gọi điện thoại hỏi thăm sức khỏe và sau đó là rụt rè xin với cô cho phép em được “kiểm tra bổ sung” để cải thiện trung bình môn cuối năm học nhằm mục đích nâng lên xếp loại học lực. Đó là một em học sinh ở lớp cô phụ trách giảng dạy bộ môn.

Tình hình với học sinh này là: Trong hai môn học quyết định xếp loại học lực là Toán và Ngữ văn, em không đủ tiêu chuẩn cả hai. So với môn học còn lại, cơ hội cải thiện điểm Ngữ văn của em khá thấp (em chỉ đạt điểm trung bình cuối năm là 5,8), em xin giáo viên được bổ sung điểm kiểm tra tại lớp vì trung bình môn Toán của em là 6,3. Nếu cải thiện điểm Toán lên được trung bình môn học là 6,5, em không bị mất danh hiệu Học sinh tiên tiến.

Theo cô em họ của tôi, trước đợt kiểm tra học kỳ 2 thì các cột điểm kiểm tra (định kỳ và thường xuyên theo quy định) về cơ bản hoàn thành, cô cũng đã lưu ý học sinh là nếu muốn cải thiện điểm số, có thể báo với cô để ra đề hoặc giao bài tập nhằm tăng cơ hội cho học sinh nhưng các em không phản hồi gì. Sau đó cô còn dặn thêm là nếu không cải thiện tại lớp thì các em tập trung ôn bài kỹ hơn để cải thiện bằng bài kiểm tra học kỳ. Kết quả là như đã nói trên.

Cô em tôi cho biết phải trả lời dứt khoát với học sinh là em nên chấp nhận những gì đã có, nó phản ánh lực học của em. Qua điện thoại, cô em tôi cũng cảm thấy cảm giác mất hy vọng của học sinh nhưng cô không còn cách khác. Đó là nguyên tắc làm việc bấy lâu nay của cô. Đó cũng là cách cô làm gương trước học sinh và giáo dục các em phải biết mình ở đâu và nên như thế nào, nhất là thái độ trung thực, khách quan trong học tập.

Một đồng nghiệp của tôi ở bậc trung học phổ thông, dạy một môn học lâu nay bị xem là môn phụ (môn Công nghệ), cũng có một câu chuyện gần như trên. Người đồng nghiệp này cũng vừa phải đau đầu vì phụ huynh học sinh. Vị phụ huynh có con bị “trượt” khen thưởng Học sinh giỏi vì môn Công nghệ đã dắt cả đứa con của mình đến nhà thầy với tay xách nách mang quà cáp cũng để xin... cải thiện điểm. Em sẽ được khen thưởng Học sinh giỏi nếu như không bị “vướng” điểm Công nghệ 6,4. Gia đình xin cho em kiểm tra thêm để đạt 6,5.

Câu trả lời của thầy là điểm số đã được công khai trên mạng (qua liên lạc điện tử), cả học sinh, giáo viên cùng giám sát, thầy “thò tay vào” là phạm luật. Phụ huynh và học sinh, vì thế, chấp nhận kết quả trong ngậm ngùi...

Có lẽ, với nhà giáo chúng tôi, mỗi đợt kết thúc học kỳ/năm học là mỗi lần vui buồn lẫn lộn. Chia tay một lứa học sinh, mừng cho em được lên lớp mới nhưng vẫn cứ có chút gì khó xử khi ánh mắt của học sinh xin điểm cứ như nhìn mình, trách móc vì em bị mất danh hiệu. Một trạng thái buồn nhiều hơn vui đeo đẳng ít ra cũng trong vài ba hôm đến cả tuần lễ. Điều day dứt hơn nữa là khi học sinh kéo cả phụ huynh vào cuộc thì em và gia đình sẽ được gì? Có phụ huynh hay em học sinh nào nghĩ về “điều phía sau” của câu chuyệ n này trong việc rèn luyện một nhân cách? Và đến bao giờ thì điểm số sẽ thôi ám ảnh người đi học?

Một đồng nghiệp khác của tôi cảm thán: Chấm thi học kỳ và công bố điểm số xong chỉ mong một điều là đừng có điện thoại reo và đầu dây bên kia là câu nói: “Cô ơi, em là...”.

Tác giả: Việt Phương

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP