Trao đổi trên Dân trí, bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Trưởng Phòng giáo dục TP Hòa Bình nói: “Đây là vụ việc đau xót của ngành giáo dục thành phố.
Ngay sau khi nhận thông tin, Phòng giáo dục thành Hòa Bình phối hợp với cơ quan chức năng, nhà trường và các gia đình giải quyết vụ việc. Chúng tôi đến nhà các cháu để thăm hỏi chia buồn...”
Theo bà Hồng, 8 em học sinh bị đuối nước chiều 21/3 có 3 em là học sinh Trường tiểu học Hữu Nghị, 5 em là học sinh Trường Trung học cơ sở Hữu Nghị, TP Hòa Bình. Theo lịch, chiều 21/3 lớp của các em được nghỉ học.
Cụ thể, Trường Tiểu học Hữu Nghị do cơ sở vật chất chưa đảm bảo cho việc tổ chức học 2 buổi/ngày nên lịch học được thống nhất giữa nhà trường với phụ huynh là chiều thứ 5 hàng tuần, học sinh các khối 4 và 5 ở nhà do phụ huynh quản lý.
Đối với học sinh THCS Hữu Nghị, từ ngày 11/3 đến 18/3, nhà trường được Sở GD&ĐT tỉnh hoà Bình chọn làm điểm tổ chức thi giáo viên dạy giỏi nên nhà trường có thông báo cho học sinh nghỉ học trong tuần từ 19/3-23/3.
Hiện trường vụ 8 học sinh đuối nước thương tâm ở Hòa Bình - Ảnh: Người Đưa Tin |
Sau khi được thông tin về vụ 8 học sinh bị đuối nước tại khu vực bến Thịnh Minh, phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình, chiều 21/3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, chủ tịch Ủy ban quốc gia về trẻ em, đã gửi lời chia buồn sâu sắc và cử đại diện cơ quan thường trực của Ủy ban lên thăm hỏi, động viên gia đình các em nhỏ và phối hợp với địa phương khắc phục hậu quả vụ việc.
Đồng thời, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Lao động - thương binh và xã hội, cơ quan thường trực của Ủy ban quốc gia về trẻ em, có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nói chung và phòng, chống đuối nước trẻ em nói riêng.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Thị Hà vừa có công văn đề nghị các tỉnh thành phố tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em.
Theo đó đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước trẻ em.
Tuyên truyền, vận động gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt trong mùa mưa bão và mùa nước nổi; chủ động đưa trẻ em đi học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho người dân và trẻ em.
Tiếp tục hướng dẫn triển khai thực hiện việc xây dựng Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn và Cộng đồng an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nhằm loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước cho trẻ em.
Quan tâm hỗ trợ, trang bị cơ sở vật chất để dạy bơi cho trẻ em tại địa phương; đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông đường thủy, phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em tại cơ sở; xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm.
Rà soát phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em, cụ thể như làm rào chắn, biển cảnh báo tại hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm.
Chiều 21/3, một vụ tai nạn đuối nước vô cùng thương tâm làm 8 học sinh thiệt mạng đã xảy ra trên đoạn sông Đà thuộc địa bàn phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình). Theo Công an TP Hòa Bình, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 15h chiều cùng ngày, vào thời điểm đó, một nhóm học sinh gồm 9 em đã rủ nhau ra khu vực bãi cát ven sông Đà thuộc địa bàn phương Thịnh Lang để chơi đùa. Trong lúc chơi trên bãi cát ven sông, các em xuống sông tắm và có 8 em bị đuối nước. Ngay sau khi phát hiện các học sinh bị đuối nước, người dân địa phương và lực lượng chức năng đã tổ chức tìm kiếm, cứu vớt các cháu. Đến khoảng 16h30, lực lượng chức năng đã tìm vớt được thi thể cả 8 cháu. |
Tác giả: Cự Giải
Nguồn tin: Báo Đời Sống & Pháp Luật