Giáo dục

16.000 giáo viên bàn cách chống bạo lực học đường

Mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường rất quan trọng trong các vụ việc xảy ra trong và ngoài nhà trường.

Sau vụ việc 1 sinh học lớp 9 bị nhóm bạn lột quần áo, đánh hội đồng đến nhập viện xảy ra ngay tại trường Trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, Hưng Yên, ngày 6-4, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cùng Sở GD&ĐT tỉnh Hưng Yên đã tổ chức cho hơn 16.000 giáo viên bàn cách đối phó với bạo lực học đường.

Hội nghị do ông Nguyễn Văn Phê, giám đốc Sở GD-ĐT Hưng Yên, và ông Bùi Văn Linh, phó vụ trưởng phụ trách Vụ Chính trị và công tác học sinh sinh viên Bộ GD-ĐT, điều hành.

Chia sẻ về biện pháp phòng chống bạo lực học đường, cô Cô Lê Thị Nguyệt- Hiệu trưởng trường THPT Triệu Quang Phục, Hưng Yên nhấn mạnh vai trò của việc nêu gương. Ở trường THPT Triệu Quang Phục, học sinh có thành tích nhỏ, làm việc tốt cho cộng đồng thường xuyên được vinh danh trước toàn trường. Việc nêu gương giúp các em có động lực để có thêm nhiều hoạt động tích cực, đẩy lùi suy nghĩ tiêu cực.

Theo cô Nguyệt, bạo lực học đường là hành vi không chuẩn mực của học sinh mà làm tổn thương về thể chất, tinh thân cho học sinh khác.

Biểu hiệu của học sinh có thể dẫn đến bạo lực học đường là những học sinh chưa ngoan, hay bỏ học, không thực hiện điều lệ nội quy trong nhà trường, những HS mê game. Để đẩy lùi bạo lực học đường, giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu nhà trường đều phải có trách nhiệm.

Còn theo cô Nguyễn Thị Hồng Thúy- Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hưng Yên, mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường rất quan trọng trong các vụ việc xảy ra trong và ngoài nhà trường.

"Cha mẹ là trung tâm để kết nối mọi mối quan hệ nên quan điểm của chúng tôi là khi có sự cố sẽ tìm hiểu kỹ nguyên nhân, mời phụ huynh lên và hỏi rất kỹ về học sinh khi ở nhà, chơi với ai, biểu hiện ra sao. Có tìm được nguyên nhân mới giải quyết được tận gốc vấn đề" – cô Thúy cho hay.

Tại hội nghị, ông Phan Xuân Quyết, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hưng Yên, công bố kết luận của chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, trong đó nhấn mạnh: việc kỷ luật học sinh cần theo hướng định hướng để các em tiến bộ chứ không phải để phạt, răn đe. Ông Quyết nhắc lại việc sẽ xem xét truy cứu trách nhiệm những người liên quan đến vụ việc này.

Cũng trong hội nghị này, ông Bùi Văn Linh, đại diện Bộ Giáo dục và đào tạo đề nghị các nhà trường cần tăng cường triển khai công tác tư vấn học đường, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức Đoàn, Đội, trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường, của giáo viên chủ nhiệm trong việc nắm bắt tâm lý những vấn đề vướng mắc của học sinh để hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn, phát hiện ngăn ngừa kịp thời tình trạng bạo lực học đường.

Tác giả: HÀ PHƯỢNG

Nguồn tin: Báo Pháp luật TPHCM

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP