Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga (Ảnh: Quochoi.vn). |
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) chiều 9/11, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho biết, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án:
Phương án 1, mở rộng phạm vi người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đối với tất cả công chức khi được bổ nhiệm vào ngạch (bao gồm cả công chức xã, phường, thị trấn).
Phương án 2, thu hẹp phạm vi người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập chỉ áp dụng với đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên ở trung ương, từ 0,9 trở lên ở địa phương và một số đối tượng có hệ số phụ cấp chức vụ dưới 0,7 trong một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.
Uỷ ban Tư pháp đánh giá, việc kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua còn hình thức, hiệu quả thấp, chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do số người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập quá lớn - trung bình khoảng hơn 1 triệu bản kê khai mỗi năm - vượt quá khả năng của các cơ quan có trách nhiệm kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập. Vì vậy, Uỷ ban Tư pháp chưa đồng tình với phương án 1.
Đối với trường hợp thu hẹp đối tượng kê khai như đề xuất tại phương án 2, Uỷ ban Tư pháp đề nghị làm rõ lý do để phân biệt việc lựa chọn người có nghĩa vụ kê khai ở trung ương thì có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên nhưng ở địa phương lại quy định từ 0,9 trở lên. Đồng thời đánh giá tác động của việc thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập so với quy định của Luật hiện hành. Đánh giá tác động của việc thay đổi phương thức kê khai từ kê khai hàng năm thành kê khai lần đầu và kê khai bổ sung (khi bầu, bổ nhiệm lại hoặc khi có biến động về tài sản từ 50 triệu đồng trở lên).
Từ những lý do trên, Uỷ ban Tư pháp cho rằng, trước mắt nên giữ nguyên đối tượng kê khai tài sản, thu nhập hoặc thu hẹp ở mức độ hợp lý, tập trung vào các đối tượng giữ vị trí quan trọng ở trung ương, địa phương, những khu vực nguy cơ tham nhũng cao để bảo đảm tập trung nguồn lực tiến hành kiểm soát có hiệu quả hơn, tránh hình thức như thời gian vừa qua.
“Việc mở rộng đối tượng kê khai sẽ được nghiên cứu bổ sung khi đã làm tốt việc kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng nêu trên và có đủ nguồn lực đáp ứng cho việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập theo chủ trương của Đảng quy định tại Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) là “tiến tới tất cả cán bộ, công chức là đảng viên đều phải kê khai tài sản”- bà Nga cho hay.
Về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập, Chính phủ cũng trình Quốc hội 2 phương án: Phương án 1, các bản kê khai tài sản, thu nhập được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người kê khai thường xuyên làm việc. Phương án 2, thay hình thức công khai tại nơi thường xuyên làm việc bằng hình thức công khai tại chi bộ nơi người kê khai là đảng viên sinh hoạt.
“Đa số ý kiến thành viên Uỷ ban Tư pháp tán thành với phương án 1 (giữ như quy định của pháp luật hiện hành về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập) và cho rằng, không phải tất cả cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập đều là đảng viên. Nếu quy định chỉ công khai bản kê khai tại cuộc họp chi bộ như phương án 2 thì dẫn đến bản kê khai của những cán bộ, công chức, viên chức không phải là đảng viên sẽ không được công khai, gây khó khăn cho hoạt động giám sát, kiểm soát tính trung thực trong bản kê khai của những đối tượng này”- bà Nga nói.
Xác định rõ trách nhiệm của thanh tra, kiểm toán bỏ lọt tội phạm
Về xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, Uỷ ban Tư pháp đề nghị giữ nguyên như quy định của Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành.
Theo đó, khi phát hiện hành vi tham nhũng thì cơ quan ra quyết định thanh tra, kiểm toán phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan điều tra nhằm đảm bảo xử lý hiệu quả, kịp thời tội phạm tham nhũng. Khi vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra thì quá trình xác minh, điều tra làm rõ vụ việc có sự kiểm sát của Viện kiểm sát nên sẽ bảo đảm khách quan hơn, tránh bỏ lọt tội phạm.
Đa số ý kiến tại Uỷ ban Tư pháp nhấn mạnh tình trạng các cơ quan thanh tra, kiểm toán tiến hành nhiều hoạt động, phát hiện nhiều sai phạm, nhưng ít vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra trong khi tình hình tham nhũng được đánh giá là “vẫn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành”, dẫn đến khả năng bỏ lọt tội phạm tham nhũng.
“Do đó, Uỷ ban Tư pháp đề nghị dự thảo luật cần xác định trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm toán trong trường hợp các cơ quan này khi tiến hành thanh tra, kiểm toán không phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng chuyển cơ quan điều tra, nhưng sau đó các cơ quan có thẩm quyền lại phát hiện ra tội phạm tham nhũng”- bà Nga nói.
Đề nghị rà soát lại nhóm "người thân thích" Khoản 3 Điều 23 của dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) quy định người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được tiếp nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm những người là anh rể, em rể, chị dâu, em dâu… làm công tác tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, thủ quỹ, thủ kho hoặc vị trí có nguy cơ phát sinh tham nhũng; không được là người quản lý, thành viên góp vốn, thành viên hợp danh, cổ đông sở hữu 10% trở lên trong doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị (Luật hiện hành chỉ quy định áp dụng đối với vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột). Uỷ ban Tư pháp đề nghị rà soát lại phạm vi người thân thích được quy định tại điều này để khắc phục những bất cập đang diễn ra hiện nay; làm rõ căn cứ của việc mở rộng, đánh giá tác động để bảo đảm không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng được mở rộng. |
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí