Kinh tế

Yêu cầu lấy vốn đầu tư công làm "vốn mồi" cho các dự án PPP

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025 nhằm chuyển đổi và hình thành cơ cấu đầu tư hợp lý, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư công và chất lượng thể chế quản lý đầu tư công.

Đặc biệt, Chính phủ chỉ đạo nguyên tắc ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước như vốn mồi để khai thác tối đa nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức hợp tác công tư (PPP).

Vốn đầu tư công và vốn xã hội hoá có nhiệm vụ phát triển hệ thống hạ tầng quan trọng, các dự án trọng điểm có sức lan toả rộng rãi và tác động lớn đến phát triển kinh tế, hạ tầng vùng miền.

Các dự án trọng điểm tới đây sẽ được Chính phủ cho cơ chế rót vốn đầu tư công để làm vốn mồi cho các nhà đầu tư khác.

Theo Đề án, Chính phủ đặt mục tiêu tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch vay, trả nợ công; phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hàng năm trên 90%.

Về tỷ trọng vốn đầu tư công, vốn đầu tư nhà nước bình quân phải đạt khoảng 10 - 11% GDP, trong đó tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa rộng và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Chính phủ yêu cầu không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư.

Đối với nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước thì tập trung đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ, đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành; bảo đảm đầu tư có hiệu quả, giữ vai trò chủ đạo góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế khác đầu tư phát triển...

Đối với nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, ưu tiên đầu tư hỗ trợ thực hiện các dự án xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, thiết yếu; phát triển nông nghiệp và nông thôn; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Tác giả: An Linh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP