Kinh tế

Xuất khẩu nông sản 2016: Rau quả vui đẩy nỗi buồn cho gạo

Chưa hết năm 2016, nhưng chắc chắn xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay sẽ không đạt được mục tiêu đề ra. Xu hướng giá trị và lượng xuất khẩu mặt hàng này sụt giảm khá mạnh so với cùng kỳ đang ám ảnh. Chiều đi xuống đang là xu thế của xuất khẩu gạo Việt Nam.

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê vừa công bố, tính đến hết ngày 15/12/2016, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ đạt 4,68 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,1 tỷ USD. Lượng và giá trị gạo xuất khẩu giảm khoảng 1,62 triệu tấn và 600 triệu USD so với cùng kỳ năm 2015.

Điều đáng buồn là xuất khẩu gạo của Việt Nam ngày càng có xu hướng giảm về giá trị, thu hẹp về thị trường. Trước đó năm 2010, xuất khẩu gạo Việt luôn đạt lượng khoảng 6,3 - 7 triệu tấn/năm, giá trị kim ngạch khoảng 2,7 - 3,3 tỷ USD. Gạo luôn là mặt hàng có kim ngạch cao thứ 3 sau thủy sản, cà phê.

Từ năm 2012, Việt Nam xuất khẩu 7 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 3,6 tỷ USD; năm 2013, xuất khẩu đã có dấu hiệu giảm sút với khoảng 6,5 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,9 tỷ USD; năm 2014, xuất khẩu giảm còn 6,3 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,9 tỷ USD và năm 2015, chúng ta chỉ giữ mức xuất khẩu 6,5 triệu tấn/năm.

Tác động của tự nhiên, của thị trường đã và đang trở thành thách thức lớn đối với sản xuất và xuất khẩu lúa gạo tại Việt Nam
So sánh trong giỏ hàng hóa nông sản xuất khẩu cuối năm 2016, nếu thủy sản, rau củ quả, cà phê, hạt điều... mang về niềm vui vì lượng và giá trị xuất khẩu luôn gia tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2015, trong đó cà phê có kim ngạch tăng mạnh nhất hơn 700 triệu USD, rau quả 600 triệu USD tiếp đến là thủy sản và hạt điều với kim ngạch tăng lần lượt là 500 triệu đến 400 triệu USD.

Đáng chú ý nhất trong thành tích xuất khẩu thời gian qua là mặt hàng rau quả khi 11 tháng đầu năm, mặt hàng này đem về cho Việt Nam giá trị 2,3 tỷ USD. Đây là mức tăng khá ngoạn mục, tăng gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2014 (với gần 2 tỷ USD). Điều đáng nói là dư địa cho tăng trưởng xuất khẩu rau quả đang lớn khi nhiều loại hoa quả của Việt Nam được nhiều nước chấp nhận nhập khẩu như: trái chuối, vải, nhãn, thanh long hay soài...

Trở lại với thị trường gạo, theo Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ NN&PTNT), trong 11 tháng đầu năm 2016, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm 25% về khối lượng và giảm 20,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, các thị trường có giá trị giảm mạnh là Philippines (giảm 61,6%), Malaysia (giảm 51,5%), Singapore (giảm 34,1%), Bờ Biển Ngà (giảm 29,1%) và Hồng Kông (giảm 7,7%). Mức giảm xuất khẩu gạo năm 2016 được cho là đáng kể nhất từ năm 2009 đến nay, và hầu hết doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo đều không hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, mục tiêu xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2016 phải đạt được là khoảng 6,5 triệu tấn, tương ứng thành tích xuất khẩu năm 2015. Tuy nhiên, đến nay, chắc chắn mục tiêu này không thể đạt được.

Hiệp hội lương thực cho hay, nhiều nguyên nhân khiến xuất khẩu gạo giảm nhưng trong đó đáng chú ý là nhiều thị trường nhập khẩu chính đã từ bỏ nhập khẩu diện Nghị định thư như Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Banglades do đó xuất khẩu gạo chỉ phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu mới và thương nhân (diện tiểu ngạch).

Bên cạnh đó, hiện 70% gạo Việt xuất khẩu là nhằm vào các thị trường châu Á, trong đó phần lớn là Trung Quốc, ASEAN, một số nước Trung Á. Tuy nhiên, đây là nơi có sự cạnh tranh rất lớn, tập trung nhiều đối thủ hàng đầu về gạo. Tại thị trường lớn nhất là Trung Quốc, mới đây nước này áp dụng rất chặt quy định kiểm dịch trong nhập khẩu gạo từ Việt Nam, khiến xuất khẩu gạo của Việt Nam vào nước này (phần lớn là tiểu ngạch) bị chững lại.

Bối cảnh đó, các thị trường khác như Philippines, Indonesia, Banglades, Malaysia, gạo Việt đang phải cạnh tranh quyết liệt về lượng và giá trị với gạo Thái Lan, gạo Ấn Độ và gần đây xuất hiện Campuchia, gạo Myanmar.

Theo chuyên gia hàng đầu về lúa gạo Việt Nam tại Cần Thơ, ở các thị trường Châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ hay Nhật, gạo Việt rất khó xâm nhập và cạnh tranh được với các loại gạo phẩm cấp cao của nước sở tại. Bên cạnh đó, quy định kiểm định chất lượng gạo, hóa chất tồn dư trong thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch là rào cản lớn khiến gạo Việt không có cửa cạnh tranh tại các thị trường trên.

Một thông tin khá lưu tâm là, trong hai năm 2015 - 2016, hai quốc gia xuất khẩu gạo lớn của thế giới là Thái Lan, Ấn Độ đã loại bỏ chế độ dự trữ gạo quốc gia, ưu tiên thu mua lúa gạo tích trữ nhằm đảm bảo an ninh lương thực trước khi xuất khẩu.

Điều này khiến lượng gạo tồn kho cung ra thị trường ngày một nhiều hơn, cạnh tranh trực tiếp cả về số lượng và giá cả với gạo Việt Nam. Trong khi đó, các loại gạo Campuchia, gạo Myanmar cũng tham gia mạnh vào thị trường, điều này đã tạo ra sức ép và sự cạnh tranh rất lớn về xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Tác giả bài viết: Nguyễn Tuyền

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP