Ngành gỗ Việt Nam được xem là đang lớn mạnh và có vị thế trên thế giới. Hiện đồ gỗ Việt Nam chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, đứng hai châu Á và thứ năm trên thế giới. Trong năm qua, giá trị xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 8 tỉ USD, riêng sản phẩm gỗ đạt 7,66 tỉ USD, tăng 10,2%.
Vượt qua đòi hỏi khắt khe
Dự báo trong năm 2018 kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ sẽ đạt 9 tỉ USD. Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), con số trên còn khiêm tốn vì cho đến thời điểm này đã có nhiều doanh nghiệp (DN) ký được nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn đủ sức sản xuất cho cả năm. Thậm chí, một số DN không dám ký tiếp hợp đồng vì lo không đáp ứng kịp đơn hàng.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Scansia Pacific, cho biết trước đây, DN kiếm được hợp đồng xuất khẩu trị giá triệu USD khá khó khăn, nhất là tìm được đối tác lớn lại càng khó. Nhưng nay, chỉ với 4 hợp đồng công ty vừa ký với các đối tác nước ngoài từ đầu năm nay cũng đã có giá trị trên 30 triệu USD, riêng hợp đồng với đối tác tập đoàn bán lẻ nội thất IKEA cũng đã chiếm gần 20 triệu USD.
"IKEA có cả trăm hệ thống kinh doanh đồ gỗ trên khắp thế giới, để có được hợp đồng này, đối tác đòi hỏi rất cao. Đầu tiên họ cho người đến khảo sát nhà máy xem có đáp ứng được các điều kiện cơ bản về tiêu chuẩn chất lượng như thiết bị sản xuất có còn đáp ứng được về kỹ thuật, vận hành có bảo đảm không xảy ra trục trặc hay sự cố gì. Chỉ cần có một lỗi nhỏ trên một sản phẩm như tại một vị trí nào đó trên bề mặt không được mịn, hay một vết trầy xước nhỏ nếu nhìn không kỹ khó có thể phát hiện cũng bị đối tác đánh lỗi cho cả lô hàng và họ dứt khoát không nhận hàng và còn buộc phải bồi thường" - ông Thắng nói.
Ngoài ra, đối tác còn yêu cầu rất khắt khe về nguồn gốc gỗ, phải hoàn toàn hợp pháp, có giấy chứng nhận là gỗ từ rừng trồng cho dù là nguyên liệu trong nước hay nhập khẩu. Tuyệt đối không được sử dụng nguyên liệu gỗ từ rừng tự nhiên. Nhà máy phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, không được sử dụng lao động trẻ em. Họ còn kiểm tra nhà máy có sạch sẽ, ngăn nắp, hiệu quả. Kế đến là năng lực giao hàng có đúng hạn, đúng tiến độ.
Ông Thắng còn cho biết các đối tác lớn nước ngoài thường không kiểm tra một lần mà nhiều lần như vậy. Nếu đạt yêu cầu cơ bản, họ tiến hành thuê công ty độc lập để đánh giá tiếp xem đối tác có đáp ứng đầy đủ các điều kiện hay không. Riêng phần đánh giá cũng phải mất cả năm trời. Chưa hết, khi đã ký kết họ cũng chưa thật sự tin tưởng mà chỉ ký đơn hàng nhỏ cho làm thử. Sau đó mỗi năm tăng dần số lượng.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Kiến trúc AA, cho biết đến thời điểm này, DN đã có nhiều hợp đồng trị giá từ 10-15 triệu USD. Chẳng hạn DN vừa có hợp đồng cung cấp toàn bộ nội thất gỗ cho khách sạn cao cấp Kempinski ở Dominica (vùng Carribean). Theo ông Khanh, để có được hợp đồng giá trị lớn đòi hỏi có tiếp thị, kỹ thuật, giao hàng, giá cả cạnh tranh cũng như phải giữ cho được uy tín của mình.
Xuất khẩu đồ gỗ nội thất được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2018. Ảnh: TẤN THẠNH |
Quá thiếu địa điểm triển lãm
Thông tin từ HAWA cho thấy trước đây hiếm khi thấy có DN "trúng" hợp đồng xuất khẩu lớn trị giá triệu USD nhưng những năm gần đây việc trúng thầu trị giá vài triệu USD đã trở thành bình thường. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch HAWA, đồ gỗ Việt Nam tuy có phát triển nhưng thật sự vẫn chưa đúng tầm, chưa thu hút được nhiều khách hàng trên thế giới. Chẳng hạn tại Singapore được xem là nơi tổ chức hội chợ triển lãm đồ gỗ lớn trên thế giới nhiều lần trong năm, trong khi tại Việt Nam, hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Vifa - Expo mỗi năm chỉ được tổ chức một lần mà quy mô lại quá nhỏ so với Singapore. Cụ thể, mặt bằng tổ chức tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn ở quận 7, TP HCM quá nhỏ trong khi nhu cầu cần diện tích gấp 4 lần so với hiện tại. "Nếu có được mặt bằng đủ lớn, triển lãm đồ gỗ tại Việt Nam sẽ vượt qua cả Singapore. Lúc này, khách hàng trên thế giới sẽ tìm đến nhiều hơn và cơ hội xuất khẩu cũng sẽ tăng theo là đương nhiên" - ông Hạnh phân tích.
Theo HAWA, những năm qua, hầu hết các hợp đồng xuất khẩu đồ gỗ của DN tập trung nhiều tại các kỳ hội chợ, thậm chí có nhiều DN ký được các hợp đồng sản xuất cho suốt cả năm. Trước đây TP HCM cũng đã có chủ trương bố trí xây dựng trung tâm triển lãm quy mô lớn nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa triển khai. Trong khi TP lại vừa mất thêm một địa điểm triển lãm tại quận Tân Bình (đã đóng cửa), hiện chỉ còn một điểm tại quận 7 là có quy mô tương đối nhưng việc đăng ký rất khó khăn, DN phải đăng ký trước cả năm mới mong đặt được chỗ, làm mất đi nhiều cơ hội.
Doanh nghiệp phải chủ động Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Chủ tịch Công ty Kinh doanh Sản xuất Sài Gòn Đắk Lắk (Sadaco), cho rằng trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các DN gỗ thay vì trông chờ khách hàng tìm đến mình cần phải chủ động hơn, dựa vào công nghệ thông tin để tìm khách hàng mới, đồng thời có biện pháp thu hút nhiều dạng khách hàng, các phân khúc khác nhau. Ngoài ra, DN gỗ còn phải đầu tư công nghệ hiện đại trong dây chuyền sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Ông Mạnh cho biết ngay tại công ty, thời gian qua đã đầu tư nâng cấp 3 nhà máy hiện có, trong đó các công đoạn bào, ghép, sấy đều được tự động hóa. Sắp tới, DN sẽ đầu tư xây dựng thêm cụm nhà máy hiện đại nhất trong ngành gỗ để đáp ứng nhu cầu phát triển. |
Tác giả: NGUYỄN HẢI
Nguồn tin: Báo Người lao động