Pháp luật

Xử vụ vỡ đường ống Sông Đà: "Vỡ đường ống, dân... đỡ tốn tiền nước”

Theo quan điểm của Luật sư Lê Ngọc Hà, việc tuyến ống 18 lần bị vỡ nên phải dừng cấp nước cho người dân thành phố Hà Nội, khi dừng cấp nước thì người dân không còn sử dụng, và không sử dụng thì người dân… không mất tiền.

Ngừng cấp nước, dân đỡ tốn tiền

Phiên tòa xét xử 9 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến việc vỡ đường ống nước Sông Đà do Vinaconex làm chủ đầu tư đang trở nên gay gắt hơn khi các luật sư và đại diện Viện Kiểm sát đối đáp nhau.

Không chỉ “truy” HĐXX về sự vắng mặt bất thường của ông Phí Thái Bình (cựu Chủ tịch HĐQT Vinaconex) và các thành viên HĐQT Vinaconex, đối đáp với Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội vào chiều 09/03 các luật sư cho rằng vụ án này không có thiệt hại.

Luật sư Lê Ngọc Hà, luật sư bào chữa cho nhóm các bị cáo thuộc đơn vị giám sát tư vấn dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà – Hà Nội gồm: Đỗ Đình Trì, Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống, và Bùi Minh Quân cho rằng không có đủ căn cứ để xác định thiệt hại trong 18 lần vỡ đường ống.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, “từ ngày 4/2/2012 - 2/10/2016, tuyến ống đã 18 lần bị vỡ với 23 cây ống composite cốt sợi thủy tinh bị vỡ, gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp khai thác là CTCP Nước sạch Vinaconex đã phải chi 16.618.883.494 đồng để khắc phục. Bên cạnh đó, việc tuyến ống liên tục bị vỡ đã gây hậu quả buộc doanh nghiệp khai thác phải dừng cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân trong thời gian 386 giờ, lượng nước ngừng cấp là 1.744.904m3 và làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của 177.000 hộ dân trên địa bàn TP Hà Nội, được dư luận xã hội và phương tiện truyền thông đặc biệt quan tâm”.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Luật sư Lê Ngọc Hà, việc tuyến ống 18 lần bị vỡ nên phải dừng cấp nước cho người dân thành phố Hà Nội, khi dừng cấp nước thì người dân không còn sử dụng, và không sử dụng thì người dân… không mất tiền.

Bên cạnh đó, luật sư cũng cho rằng số tiền hơn 16,6 tỷ đồng để khắc phục sự cố vỡ đường ống là nằm trong quỹ bảo trì của doanh nghiệp khai thác, việc này đã được doanh nghiệp… dự liệu từ trước đó.

Từ những lập luận trên, Luật sư Hà cho rằng việc Viện Kiểm sát xác định vụ án đã gây ra “hậu quả nghiêm trọng” thì cần phải xem xét lại.

Cái gì dư luận chả quan tâm

Đối với quan điểm của Viện Kiểm sát cho rằng sự cố 18 lần vỡ đường ống “được dư luận xã hội và phương tiện truyền thông đặc biệt quan tâm”, Luật sư Lê Ngọc Hà đối đáp: “Dư luận xã hội xấu hay tốt? Nếu xấu thì không phải, vì chỉ số hài lòng của người dân là rất tốt, chỉ 0,00 mấy phần trăm là không hài lòng theo kết quả khảo sát về sự hài lòng của người dân khi sử dụng nước từ hệ thống đường ống Sông Đà. Viện Kiểm sát cần chứng minh (dư luận xã hội) xấu như thế nào. Nói rằng “các phương tiện truyền thông đặc biệt quan tâm”, nhưng trong thời đại này chẳng có gì mà dư luận truyền thông không quan tâm. Chỉ với việc một cô giáo quỳ (trước mặt phụ huynh – PV) mà bao nhiêu bài báo, facebook, zalo chia sẻ”.

Luật sư Lê Ngọc Hà (áo trắng) đang đối đáp với Viện Kiểm sát.

Luật sư đề nghị Viện Kiểm sát chứng minh việc xác định hậu quả của vụ án này thuộc tiêu chí nào, căn cứ nào để Viện Kiểm sát cho rằng các bị cáo đã vi phạm quy định tại Điều 88 Luật Xây dựng 2003. Ông Hà cũng cho rằng đơn vị tư vấn giám sát không có chức năng thu hồi lô ống được sản xuất cùng loại với các ống đã phát hiện có lỗi.

“Chuyện thu hồi hay không thu hồi không thuộc trách nhiệm của tư vấn giám sát. Họ không có trách nhiệm phải thu hồi. Thậm chí chỉ 1 lỗi nhỏ mà thu hồi toàn bộ đường ống đã lắp đặt có độ sâu bằng cả 1 tòa nhà, phải đào bao nhiêu triệu m3 đất cát để trả lại nhà máy là điều không thể thực hiện được. Không thể chỉ vì một vết sứt mà thu hồi toàn bộ thì bao nhiêu tiền của cho đủ. Đây là điều bất khả thi.

Đơn vị sản xuất đường ống phải chịu trách nhiệm về chất lượng đường ống.”

Mặc dù vậy, Luật sư Lê Ngọc Hà lại đưa ra đề nghị vấn đề liên quan đến chứng cứ, vật chứng trong tố tụng hình sự, đó là đường ống bị vỡ. Cơ quan điều tra căn cứ vào những lần vỡ ống và đã đề nghị trưng cầu giám định đường ống. Ông Hà đề nghị để các luật sư được xem xét việc lưu giữ, thu thập, bảo quản chứng cứ đã đúng theo quy định tại điều 75 Bộ luật tố tụng năm 2005 hay chưa.

“Người ta cho rằng lấy mẫu đường ống này, nhưng thực ra không phải mà lại đi lấy ở cây ống khác để gắn vào thì sao? Chúng tôi có quyền nghi ngờ chứ.”

Trong phần luận tội các bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án 30-36 tháng tù đối với bị cáo Đỗ Đình Trì, nguyên Trưởng đoàn Tư vấn giám sát. Các bị cáo còn lại gồm: Nguyễn Biên Hùng: 12-15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Hoàng Quốc Thống: 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, và Bùi Minh Quân: 15-18 tháng nhưng cho hưởng án treo.

Luật sư Lê Ngọc Hà cho rằng Viện Kiểm sát đề nghị mức án 30-36 tháng tù đối với Đỗ Đình Trì là quá nặng, đồng thời cho rằng Viện Kiểm sát đang có sự “nhầm lẫn”.

“Bị cáo Trì là trưởng đoàn tư vấn giám sát có trách nhiệm phân bổ các giám sát viên thực hiện công việc giám sát, chứ không thể trực tiếp như các giám sát viên. Cuối cùng lại bị quy trách nhiệm đối với cả 18 lần vỡ đường ống là không thuyết phục. Bị cáo gặp tôi nhiều lần muốn nói lên uẩn khúc. Anh ấy nói tại sao cùng nhóm giám sát nhưng 3 anh kia bị nhẹ hơn, điều đó là không hợp lý.”

Trong ngày hôm nay, 10/3, các luật sư bào chữa cho các bị cáo và Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội sẽ tiếp tục phần đối đáp.

Tác giả: PV

Nguồn tin: Báo Infonet

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP