Tin địa phương

Xót xa 'xóm chạy thận' giữa mùa hè nắng gắt ở Quảng Bình

Trong những căn phòng chật hẹp, nóng như lò nung (ở Thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) là những phận đời thống khổ, mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo.

Khi sinh ra, họ đều là những người khỏe mạnh, nhưng số phận của họ lại không được may mắn khi cả cuộc đời phải gắn bó với chiếc máy chạy thận.

Từ khắp các miền quê của tỉnh Quảng Bình, họ quy tụ về thuê chung một dãy nhà trọ ở ngay sau lưng Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (phường Nam Lý, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) để tiện chữa bệnh.

Cùng vượt qua khó khăn, họ đã giúp nhau chia sẻ từng chén cơm, vài đồng bạc lẻ.

Xóm trọ này vì thế được gọi là "xóm chạy thận".

"Xóm chạy thận" gồm 10 phòng trọ và hiện có 11 bệnh nhân đang sinh sống.

Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi chính là những khuôn mặt nhợt nhạt, môi khô nẻ, da xanh xao và khô ráp của những bệnh nhân thuê trọ ở "xóm chạy thận".

Đặc điểm dễ nhận dạng nhất và cũng là điểm chung của họ chính là những khối u to như quả chanh nổi đầy trên cánh tay. Đó chính là di chứng của những lần chọc mũi kim tiêm vào để lọc máu.

Những căn phòng chật hẹp, cũ nát tại xóm chạy thận ở Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình).

Trên đường vào xóm chạy thận tại con đường Tôn Thất Tùng nằm sau lưng Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, chúng tôi bắt gặp ông Đinh Hữu Nhiên (65 tuổi, quê ở huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) đang lê từng bước khó nhọc trở về khu trọ.

Sự mệt mỏi sau ca chạy thận khiến ông suy kiệt hơn, đi được vài bước, ông lại đứng dựa tay vào tường nghỉ một lúc. Đoạn đường ngắn chừng 100m mà phải dừng nghỉ nhiều lần ông Nhiên mới về được đến phòng trọ.

Nhọc nhằn đặt lưng lên giường nằm nghỉ sau ca chạy thận kéo dài, ông Nhiên tâm sự: “Mỗi lần chạy thận về, chân tay tôi rời rạc hết, những vết u này là do những lần chạy thận để lại. Đã thế, ở đây 9 năm, năm nào mùa hè cũng chịu không nỗi, phòng có mỗi cái quạt, đôi khi cũng muốn nghỉ ngơi một chút nhưng trời nóng hừng hực làm tôi càng mệt hơn”.

Ông Nhiên kể, tầm khoảng 10 năm trước, ông phát hiện mình bị suy thận khi cảm thấy trong người khó chịu, không ngửi được mùi thức ăn và những mùi dầu mỡ.

Lo bị bệnh nặng, ông cùng các con đến bệnh viện để khám, ban đầu, chỉ nghi ngờ vì chưa tin tưởng, ông lại cùng các con vào Huế để khám, nhưng cũng cho kết quả là suy thận.

Khối u sau mỗi lần chạy thận để lại trên tay ông Nhiên.

“Chữa bệnh này khá tốn kém, nên hầu hết các bệnh nhân ở đây không đủ tiền để chi trả cho việc thuê một phòng trọ thoáng mát. Quanh năm chữa bệnh, chi phí sinh hoạt, ăn ở, thuốc men... là những khoản vô cùng lớn, đã thế bệnh còn không thuyên giảm khiến nợ nần ngày càng chồng chất. Nhưng còn người là còn của, phải sống tiếp chứ biết sao giờ”. Ông Nhiên buồn bã nói.

Rời khỏi phòng ông Nhiên, tại lối hành lang chật hẹp, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Bé (63 tuổi, quê ở huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) đang nghỉ ngơi sau lần chạy thận.

Tính đến nay, bà đã có 13 năm sống chung với căn bệnh suy thận. Căn phòng trọ rộng khoảng chừng 8 mét vuông được bà thuê với giá 400 nghìn đồng mỗi tháng để ở.

Bà không con không chồng, nên từ khi đến điều trị, bà vẫn chỉ ở đây một mình, tự phục vụ. Mọi chi phí sinh hoạt đều dựa vào đồng lương ít ỏi cùng tiền trợ cấp nên việc chuyển đi một nơi khác thoáng mát hơn đối với bà là điều không thể.

Bà Bé ngồi nghỉ ngơi sau ca chạy thận.

"Mỗi lần chạy thận về, trở về phòng vào những ngày này như bị thiêu đốt, phòng có mỗi cái quạt, trời nóng nên ban ngày quạt thổi như thổi hơi nóng vào người. Cố vay mượn thì cũng có thể sắm được cái điều hoà cũ đấy, nhưng nghĩ đến tiền điện cao quá nên lại thôi. Với lại, mọi chi phí điều trị của tôi đều dựa vào sự hỗ trợ của xã hội nên cũng chẳng mơ tới điều hòa, máy lạnh”, bà Bé giãi bày.

13 năm qua bà không chỉ mang nỗi đau về thể xác, mà còn phải tự lo toan cho cuộc sống hằng ngày. Mỗi tháng cả tiền trọ, tiền thuốc, tiền chạy thận cũng mất 2-3 triệu đồng, dù bà chỉ phải trả 5% phí chạy thận. Hàng ngày, bà Bé đều phải rong ruổi khắp nẻo đường lượm ve chai để kiếm thêm tiền mua thức ăn.

Xóm chạy thận vui hơn vào lúc gần trưa. Đó là khi tất cả mọi người đều có mặt tại hành lang để góp chuyện với nhau và cùng tránh nóng.

Tiếng cười hiếm hoi nhưng cũng khiến sự u ám thường ngày ở nơi đây tạm tan biến.

Trong xóm, mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều là những con người nghèo khó, bám trụ ở đây để chạy thận.

Mọi người vì thế đều nương tựa vào nhau, chia sẻ khó khăn, ngọt bùi.

Tác giả: ĐĂNG KHÔI

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP