Từ 2005, dự án công trình thủy lợi Ia Mơr đã được Thủ tướng Chính phủ cho thực hiện tại Văn bản số 1125/TTg-NN ngày 11/8/2005. Chủ đầu tư là Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Thủy lợi 8 (Ban 8) với tổng số vốn ban đầu là hơn 1.200 tỷ đồng.
Khi hoàn thành, công trình có nhiệm vụ tưới, cấp nước cho khoảng 12.500ha đất nông nghiệp tại 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, cấp nước sinh hoạt cho 50.000 người dân sống tại một số xã dọc biên giới thuộc huyện Chư Prông, và kết hợp giảm lũ, phát điện...Hiện công trình mới hoàn thành giai đoạn 1 là hệ thống hồ tích nước. Trong giai đoạn 2, dự án sẽ hoàn thành các hạng mục hệ thống kênh và mương dẫn nước về hồ. Tuyến kênh này dự tính thi công sẽ nối qua huyện Ea Súp (Đắc Lắc)-huyện Chư Prông (Gia Lai) và chạy qua những khoảnh rừng trong diện tích 91ha nói trên.
Dự án Công trình thủy lợi Ia Mơr đã thực hiện xong giai đoạn 1 và đang xin để thực hiện giai đoạn 2 |
Nhưng trước chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ về việc đóng cửa rừng, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản số 4078/UBND-NL để xin Chính phủ, Bộ NN- PTNN cho phép chuyển đổi 91ha rừng tự nhiên, gồm 10 tiểu khu nằm trên địa bàn huyện Chư Prông, Gia Lai. Trong đó có 64ha (6 tiểu khu), do Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Muer quản lý và 4 tiểu khu còn lại (27ha) do UBND xã Ia Mơr quản lý.
Trao đổi tại buổi họp báo, ông Nguyễn Anh Dũng-Chủ tịch UBND huyện Chư Prông cho biết: “Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai, huyện Chư Prông chỉ làm hợp đồng đền bù, giải phóng mặt bằng còn là Ban 8 thực hiện...Đồng thời, khi chuyển đổi 91ha này thì Bộ cũng đã có kinh phí để phục vụ trồng rừng thay thế trong năm 2018 nhằm tăng diện tích phủ xanh đồi trọc”.
Theo báo cáo số 74/BC-BQL ngày 22/11/2017 của Ban xây dựng Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 8 cho biết: “Dự án hồ chứa Ia Mơr là công trình phúc lợi xã hội được đầu tư theo chủ trương. Hiện nay, cụm công trình đầu mối đã được chặn dòng tích nước từ tháng 2/2017. Tuy nhiên, hệ thống kênh chưa được đầu tư đồng bộ nên dự án chưa phát huy hiệu quả. Do đó, việc đầu tư, hoàn thiện hệ thống kênh là hết sức quan trọng nhằm phát huy toàn bộ công năng, hiệu quả của dự án…Ngoài ra, đây cũng là công trình góp phần ổn định An ninh-Chính trị vùng biên giới và phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương”.
Thông báo 191/TB-VPCP, ngày 22/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Không chuyển mục đích sử dụng 2,25 triệu hecta rừng tự nhiên hiện còn lại tại Tây Nguyên sang mục đích khác, kể cả các dự án, công trình đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai (trừ các dự án phục vụ quốc phòng, an ninh đặc biệt phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt)”. |
Tác giả: Phạm Hoàng
Nguồn tin: Báo Dân trí