Kinh tế

Xăng tăng giá kỷ lục, doanh nghiệp vẫn không mặn mà bán

Dù giá đã được điều chỉnh tăng ngày 11/2, tình trạng thiếu xăng, bán nhỏ giọt vẫn xảy ra tại một số nơi. Nhiều đại lý cho biết mức chiết khấu thấp khiến họ không mặn mà bán.

Ngày 14/2, tức 3 ngày sau kỳ điều hành giá xăng dầu của Liên Bộ Công Thương - Tài chính, một doanh nghiệp tư nhân xăng dầu ở Đắk Lắk quyết định làm đơn xin tạm thời nghỉ bán hàng.

Bà Hoàng Thị Điều, chủ doanh nghiệp này cho biết sau khi cơ quan quản lý điều chỉnh tăng giá bán lẻ, đơn vị cung ứng thông báo kho chưa cấp hàng. "Tuy nhiên 3 ngày sau, đơn vị cung ứng vẫn báo không có hàng và chiết khấu bằng 0%", bà nói.

Theo bà, các cửa hàng xăng của đơn vị đã cố gắng cầm cự trong thời gian qua. "Nhưng chúng tôi là đơn vị kinh doanh, vẫn phải trả lương nhân công, chi phí điện, mặt bằng, hao hụt...", chủ doanh nghiệp trình bày.

Thực tế, không chỉ các đại lý, cửa hàng bán xăng dầu than lỗ, nghỉ bán vì mức chiết khấu thấp mà nhiều thương nhân phân phối mặt hàng này cũng gặp nhiều khó khăn vì nguồn cung.

Mới đây, Công ty CP thương mại Hóa dầu Ressol, Công ty TNHH MTV Dầu khí Bông Sen Vàng và công ty TNHH Phúc Lâm Petro Tây Đô đồng loạt kiến nghị Sở Công Thương Hậu Giang xin tạm đóng cửa một số cửa hàng xăng dầu trực thuộc và thông báo tạm ngưng cung cấp hàng cho cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống đại lý.

Lý do mà các doanh nghiệp phân phối này đưa ra là hàng hóa khan hiếm, công ty mua được số lượng có hạn hoặc không mua được từ thương nhân đầu mối nên dẫn đến thiếu hụt nguồn cung cho các đại lý trực thuộc.

Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang đối mặt với nhiều khó khăn về nguồn cung lẫn lợi nhuận. Ảnh: Phạm Ngôn.

Nguồn cung nhỏ giọt

Mặc dù được thông báo mức chiết khấu âm, muốn nhập xăng về bán anh Trung - chủ cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở Thị xã Kiến Tường, Long An cũng than khó nhập được hàng.

"Đã chấp nhận mức chiết khấu âm nhưng vẫn không có hàng. Biết lỗ nhưng phải cố gắng tìm nguồn nhập khác về bán để giữ khách. Từ nay đến hết tháng 2, tình hình chắc chắn sẽ rất khó khăn", anh nói.

Tương tự, tại TP.HCM, cơ quan chức năng cũng ghi nhận việc tạm ngừng bán xăng tại một số thời điểm do thương nhân phân phối cung cấp xăng cho cửa hàng thiếu hụt nên không đủ nguồn hàng. Cụ thể là cửa hàng Biên Khoa, số 908 Trường Chinh, phường 15, quận Tân Bình; cửa hàng DNTN Phú Hoàng, địa chỉ số 3A Bàu Cát, quận Tân Bình.

Trao đổi với Zing, ông Bùi Xuân Vũ - Phó tổng giám đốc Công ty Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) - cũng thừa nhận hiện nay nguồn cung xăng dầu vẫn không thể hồi phục như trước, nhập hàng cũng gặp nhiều khó khăn hơn.

"Mức chiết khấu đã dương trở lại nhưng vẫn rất thấp, khoảng 100-200 đồng/lít. Mặc dù khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn cố gắng tìm kiếm đủ nguồn cung, mở cửa phục vụ nhu cầu người dân", ông nói.

Ông Vũ cho rằng kỳ điều hành giá tiếp theo vào ngày 21/2 giá xăng sẽ tiếp tục tăng mạnh trên 1.000 đồng/lít. "Vì đến hôm nay, tôi dự tính giá xăng đã phải tăng lên mức 700-800 đồng/lít", ông chia sẻ.

Tại Hà Nội, tình trạng thiếu xăng dầu không xảy ra phổ biến như các tỉnh miền Nam, song vẫn có một số cửa hàng tạm ngưng bán hàng, doanh nghiệp than nguồn cung nhỏ giọt.

Hiện, 3 ông lớn xăng dầu là Petrolimex, PV Oil và Xăng dầu quân đội vẫn là đơn vị chủ lực cung ứng cho các thương nhân phân phối, đại lý bán lẻ trên toàn quốc.

Theo thống kê về sản lượng xăng dầu Petrolimex cung ứng ra thị trường bình quân trong 4 ngày trước khi liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá (từ ngày 7/2 đến 10/2) đã tăng 53% so với sản lượng bán bình quân ngày của năm 2021 và 38% so với bình quân ngày tháng 12/2021.

Đại diện Tập đoàn này khẳng định đảm bảo đủ nguồn hàng cho hệ thống phân phối, bao gồm các thương nhân nhượng quyền bán lẻ của Petrolimex theo hợp đồng đã ký trong mọi tình huống.

Tương tự, chia sẻ với Zing, đại diện PV OIL cũng cho biết sau khi xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ do nhu cầu tăng đột biến, PV OIL đã nhanh chóng bổ sung nguồn hàng, đảm bảo nguồn cung cho các doanh nghiệp bán lẻ. Đơn vị này đã có kế hoạch nhập khẩu tăng thêm và dự kiến lượng xăng dầu về cảng Việt Nam ngày 20/2 là 26.000m3 xăng và 42.000m3 dầu.

Chiết khấu âm hoặc không có

Không chỉ thiếu nguồn cung, với việc giá dầu thô WTI và Brent vẫn tiếp tục tăng mạnh khiến mức chiết khấu tiếp tục giảm gây áp lực cho các đại lý, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu.

Một số chủ doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết hiện tại mức chiết khấu đối với 2 mặt hàng xăng và dầu đều về mức 0%, thậm chí nhiều nơi chiết khấu mặt hàng dầu vẫn ở mức âm 240 đồng/lít. "Chưa kể chi phí vận chuyển từ kho về, chi phí nhân công và mặt bằng. Tính ra mỗi lít xăng lỗ hơn 300 đồng", chủ một cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội cho biết.

Báo cáo tình hình kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cũng cho biết hiện nay chiết khấu của một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn chỉ được ở mức 80-200 đồng/lít, thậm chí có tình trạng cửa hàng không được chiết khấu.

"Cửa hàng gặp khó khăn trong việc mua hàng từ các đại lý, thương nhân phân phối nên tình hình kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhiều đại lý có tâm lý tạm ngưng kinh doanh để giảm lỗ", lãnh đạo Sở này nói.

Ông Phương kiến nghị Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ có phương án điều chỉnh giá xăng dầu linh động hơn. Bình thường 1 tháng 3 kỳ, nhưng trong trường hợp giá xăng dầu biến động quá nhanh thì phải điều chỉnh kịp thời.

Tại Hà Nội, tình trạng đóng cửa, hạn chế lượng xăng bán không phổ biến như các tỉnh phía Nam. Ảnh: Phương Lâm.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết ông rất chia sẻ với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vì nguồn cung đứt gãy cục bộ do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất và giá dầu thế giới liên tục tăng rất mạnh.

"Doanh nghiệp cứ nhập hàng về là lỗ. Đến thời điểm này, có thể nói giá điều hành chưa hoàn toàn có lợi cho doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp cũng phải chia sẻ với các mục tiêu quản lý vĩ mô của Nhà nước, với lợi ích của 100 triệu dân", ông Đông nhìn nhận.

Về kiến nghị điều hành giá xăng dầu cần linh hoạt hơn, ông Đông cho rằng chu kỳ điều chỉnh 10 ngày/lần, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã tính toán phù hợp với tập quán kinh doanh, chu kỳ hàng của các doanh nghiệp, chu kỳ để tính Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và đủ thời gian để cơ quan quản lý Nhà nước cập nhật dữ liệu.

"Chính phủ, cơ quan điều hành cũng mong doanh nghiệp thông cảm, chia sẻ bởi khi điều hành giá phải cân nhắc rất nhiều yếu tố từ lợi ích của doanh nghiệp, người dân, mục tiêu quản lý CPI và mục tiêu vĩ mô của Nhà nước", ông nói.

Tác giả: Thanh Thương

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP