Sau thời kỳ Trịnh Xuân Thanh làm lãnh đạo, PVC vẫn đầy rẫy khó khăn |
Tâm lý cán bộ sa sút vì lãnh đạo bị khởi tố
Sáng 12/1, Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018. Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.
Phát biểu trước hội nghị, hầu hết lãnh đạo tập đoàn và các công ty thành viên đều nhận định 2017 là một năm đầy biến động và khó khăn đối với ngành dầu khí như diễn biến không thuận lợi tại Biển Đông, giá dầu tuy phục hồi nhưng chưa được như kỳ vọng, thị trường sụt giảm…
Đặc biệt theo lãnh đạo PVN, việc các cấp có thẩm quyền đồng loạt xử lý các vấn đề tồn tại của Tập đoàn thời gian qua đã ảnh hưởng đến thương hiệu cũng như sa sút tâm lý cán bộ công nhân viên.
Thậm chí như phát biểu của ông Phan Thanh Tùng, Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, nhiều khi “không còn tâm trí làm việc” vì “hết người này đến người khác bị bắt” và thông tin xét xử tại các phiên toà.
Mặc dù nếu tính tổng doanh thu hợp nhất năm 2017, PVN ước đạt 298 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế là 31,9 nghìn tỷ đồng. Song qua báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy một số công ty thành viên vẫn còn khá “thảm” như trường hợp Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) – đơn vị có một loạt lãnh đạo bị khởi tố thời gian vừa qua.
Theo báo cáo tại hội nghị, doanh thu toàn tổ hợp năm 2017 ước thực hiện 3.683,8 ỷ đồng, trong đó công ty mẹ PVC ước thực hiện 2.148,3 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch điều chỉnh. Về chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế, toàn tổ hợp ước lỗ 472,5 tỷ đồng. Trong đó công ty mẹ ước lỗ 345,2 tỷ đồng.
Dự kiến sáng năm 2018, PVC đặt kế hoạch doanh thu toàn bộ tổ hợp dự kiến 3.800 tỷ đồng, trong đó dự kiến công ty mẹ là 3.000 tỷ đồng. Lợi nhuận toàn tổ hợp dự kiến lỗ 84 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ dự kiến lỗ 38 tỷ đồng.
Lãnh đạo PVC cũng thừa nhận, mặc dù nỗ lực thực hiện nhiệm vụ song kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của PVC năm 2017 còn rất hạn chế.
“Năm 2017, tiếp tục chịu ảnh hưởng từ việc cơ quan pháp luật điều tra, thanh tra, khởi tố tại PVC khiến tâm lý cán bộ công nhân viên toàn công ty thiếu tập trung trong công việc. Ngoài ra khi PVC làm việc với với các chủ đầu tư, đối tác, khách hàng cũng gặp nhiều hạn chế dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của PVC ngày càng gặp khó khăn, đặc biệt trong công tác tiếp thị tìm kiếm nguồn công việc mới”, báo cáo phục vụ tại hội nghị nêu rõ.
Kiến nghị được sử dụng số dư tài khoản bị đóng băng tại OceanBank
Đặc biệt theo PVC, một trong những khó khăn lớn nhất của PVC đó chính là tại dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2. Việc kéo dài thời gian ký kết phụ lục điều chỉnh hợp đồng trong nửa đầu năm 2017 đã dẫn đến cơ cấu giá và mốc thanh toán trong hợp đồng đã ký chưa phù hợp với thực tế triển khai thi công.
Các hạng mục lắp đặt thiết bị đã hoàn thành không có nguồn thu để nghiệm thu thanh toán. Khó khăn về nguồn vốn và giá trị sản lượng dở dang dẫn đến thiếu nguồn lực, việc triển khai thi công trên công trường chỉ duy trì hoạt động ở mức độ cầm chừng trong 6 tháng đầu năm.
Ngoài ra một số tồn tại của các năm trước như chi phí quản lý tại các dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 từ đầu dự án chưa kết chuyển, chi phí một số hạnh mục tại dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 chưa có đầu thu, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1, công nợ phải thu được đánh giá khó có khả năng thu hồi.
Trong một loạt kiến nghị đưa ra, PVC mong Tập đoàn PVN hỗ trợ kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước, OceanBank cho phép PVC được sử dụng số dư tài khoản bị đóng băng tại OceanBank để thực hiện dự án nhiệt điện Thái Bình 2 nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Đồng thời miễn áp dụng phạt chậm tiến độ tại dự án nhiệt điện Thái Bình 2.
PVC cũng kiến nghị Tập đoàn sớm chấp thuận cho người đại diện vốn của Tập đoàn tại PVC thực hiện các thủ tục bổ nhiệm/bổ nhiệm lại đối với các chức danh Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng PVC.
Trước đó như Dân trí đưa tin, nhằm tiếp tục mở rộng điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), ngày 29/9/2017, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam một số lãnh đạo của PVC.
Theo đó, cơ quan điều tra tống đạt Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với ông Bùi Mạnh Hiển, Chánh Văn phòng Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam và ông Nguyễn Đức Hưng, nguyên Trưởng Phòng Tài chính, Kế toán Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam;
Đồng thời, tống đạt Quyết định khởi tố bị can, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và Lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Anh Minh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam.
Liên quan đến vụ án này, một số cựu lãnh đạo của PVN và PVC cũng đã bị khởi tố như Vũ Đức Thuận - nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), còn có Trịnh Xuân Thanh - nguyên Chủ tịch HĐQT PVC…
Tác giả: Nguyễn Khánh
Nguồn tin: Báo Dân trí