Hai chủ tàu bị Ngân hàng Agribank chi nhánh Quảng Bình kiện ra toà yêu cầu trả nợ và xử lý tài sản là Nguyễn Hữu S. (tàu mang số hiệu QB 91609 - TS, số nợ 14,5 tỷ đồng) và Trương T. (tàu mang số hiệu QB 91577 - TS, số nợ 15,1 tỷ đồng). Cả 2 chủ tàu này cùng trú xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới.
Ông Quý cho biết thêm, theo thống kê của Agribank chi nhánh Quảng Bình, đến cuối tháng 9/2018 có 4 khách hàng đóng tàu vỏ thép đã chuyển nợ xấu với dư nợ 59,5 tỷ đồng.
Nhiều tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67, trị giá hàng chục tỷ đồng ở Quảng Bình đang làm ăn thua lỗ, phải nằm bờ khiến nhiều ngư dân không có tiền trả nợ |
Được biết, sự việc đang trong giai đoạn hòa giải, tuy nhiên các chủ tàu đều không đến dự hòa giải theo giấy triệu tập của tòa.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, đến thời điểm hiện tại, Sở Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn Quảng Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh này phê duyệt 117 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67; các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng cho 87/117 tàu. Tổng mức đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá là hơn 1.265 tỷ đồng, trong đó các ngân hàng cho vay gần 989 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 10/2018, chỉ có 18/87 tàu đóng mới, nâng cấp trả nợ ngân hàng đúng thời hạn, 25 tàu cá vẫn trả được nợ nhưng có nguy cơ chuyển qua nợ quá hạn, 23 tàu thường xuyên quá hạn nợ ngân hàng cả lãi và gốc, 21 tàu không trả được nợ gốc và lãi.
Trước đó, báo Dân trí cũng đã có bài phản ánh về tình trạng rất nhiều tàu vỏ thép của ngư dân Quảng Bình được đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã hư hỏng nặng, phải nằm bờ hoặc có ra khơi thì cũng thua lỗ. Tình cảnh trên đã khiến nhiều chủ tàu lâm vào cảnh nợ chồng nợ.
Nhiều ngư dân ở Quảng Bình xót xa khi nhìn vào con tàu vỏ thép mới đầu tư hàng chục tỷ đồng đã hư hỏng nặng, ra khơi không mang lại hiệu quả, nợ nần ngày càng chồng chất |
Nguyên nhân dẫn đến các tàu cá hoạt động không hiệu quả được Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình nhận định, thứ nhất là việc thiết kế tàu cá vỏ thép chưa phù hợp với hoạt động sản xuất của ngư dân dẫn đến việc phải điều chỉnh nhiều lần, chất lượng một số tàu chưa đảm bảo; thứ hai là các quy định của bảo hiểm về bồi thường ngư cụ cho ngư dân bất cập gây thiệt thòi cho ngư dân.
Nhằm tạm thời khắc phục vấn đề này, chính quyền địa phương cũng đã kiến nghị lên Trung ương về chính sách hỗ trợ chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ tàu cá bị hư hỏng. Các sự cố bất khả kháng như chủ tàu bị bệnh dài ngày, tàu bị tai nạn dẫn đến tàu dừng hoạt động thời gian dài thì cần được xem xét để giãn nợ.
Tác giả: Đặng Tài
Nguồn tin: Báo Dân trí