Vinachem đã chính thức có Chủ tịch mới |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định bổ nhiệm cán bộ tại Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem).
Theo đó, tại Quyết định số 188/QĐ-TTg, Thủ tướng điều động và bổ nhiệm ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương giữ chức Chủ tịch Hồi đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Như vậy, ông Cường chính thức về đảm nhiệm “ghế nóng” tại Tập đoàn Hóa chất thay cho ông Nguyễn Anh Dũng đã bị kỷ luật.
Ông Nguyễn Phú Cường giữ chức Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ từ ngày 20/11/2014. Trước đó, năm 2002, ông Nguyễn Phú Cường đã về Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) làm việc sau 14 năm công tác tại Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ.
Năm 2005, ông Cường hoàn thành luận án tiến sĩ trong nước chuyên ngành vi sinh vật học kỹ thuật và nhận chức vụ Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ.
Ông Nguyễn Phú Cường về đảm nhận chức Chủ tịch Vinachem trong bối cảnh Tập đoàn này đang gặp nhiều khó khăn khi xử lý các dự án thua lỗ nghìn tỷ. Không chỉ 4 dự án đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP 1 Lào Cai, DAP 2 Hải Phòng, mới đây dự án mỏ muối Kali ở Lào do Vinachem cũng đã lọt danh sách dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”.
Người tiền nhiệm của ông Cường là ông Nguyễn Anh Dũng. Ngày 20/9/2017, Ban Bí thư đã quyết định cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng của ông Nguyễn Anh Dũng, bao gồm cách chức ủy viên BCH Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, ủy viên BCH Đảng bộ Tập đoàn Hoá chất Việt Nam. Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Hoá chất Việt Nam.
Quyết định của Ban Bí thư đã nêu rõ những vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Anh Dũng. Theo đó, ông Dũng phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn nhiệm kỳ 2010-2015.
Ban Bí thư cho rằng với trách nhiệm là người đứng đầu, ông Dũng đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra những “vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ”.Ngoài ra, ông Dũng còn phải chịu trách nhiệm trong việc quản lý vốn, tài sản, đất đai và đầu tư của Tập đoàn, gây hậu quả rất nghiêm trọng; để Tập đoàn và một số công ty không bảo toàn được vốn Nhà nước giao.
Đồng thời, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện 4 dự án trọng điểm: Dự án Nhà máy sản xuất phân đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc; Dự án sản xuất phân bón DAP số 2 tại Lào Cai; Dự án sản xuất phân bón DAP Hải Phòng.
Tác giả: Nguyễn Khánh
Nguồn tin: Báo Dân trí