Kinh tế

Vụ tàu vỏ thép 67 hư hỏng: Công ty Đại Nguyên Dương chỉ hỗ trợ bèo bọt?

Cuộc họp cuối cùng vụ tàu thép 67 hư hỏng tại Bình Định, nhưng vẫn chưa đến cái kết như mong muốn. Hiện, chỉ 4/5 chủ tàu đồng ý ký vào biển bản thỏa thuận, nhưng vẫn ấm ức. Trong khi đó, có 1 chủ tàu quyết không chịu ký, đòi kiện ra tòa.

Đây được xem là cuộc họp cuối cùng để hai bên đi đến thống nhất về việc đền bù, hỗ trợ thiệt hại liên quan đến sự cố tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ bị hư hỏng nằm bờ kéo dài từ tháng 4/2017 tới nay.

Đại Nguyên Dương tiếp tục đổ lỗi cho chủ tàu

Chiều qua (9/1), Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp giữa Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và đại diện 5 chủ tàu được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ bị hư hỏng phải nằm bờ sửa chữa.

Cuộc họp giữa ngư dân và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương- được xem là cuộc họp cuối cùng nhưng vẫn chưa đi đến cái kết.

Tại cuộc họp, ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định đã nhắc lại ý kiến chỉ đạo của ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trong cuộc họp trước đó (29/12).

“Vụ việc đã kéo dài quá rồi, hai bên cùng ngồi lại bàn bạc, đưa ra một phương án giải quyết tốt nhất. Nếu giữa công ty và ngư dân không đi đến thống nhất, thì buộc phải đưa nhau ra tòa án kinh tế để giải quyết”, ông Phúc nói.

Ông Phúc cũng yêu cầu, phía Công ty TNHH Đại Nguyên Dương giải quyết theo trình tự từng chủ tàu, xem khoản nào hỗ trợ được, khoản nào cần xem lại, trên cơ sở thiện chí của cả hai bên.

Thế nhưng, ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cho rằng, các khoản mà ngư dân đã thống kê là hơi quá nên chỉ đồng ý hỗ trợ một số mục.

Như tàu vỏ thép BĐ 99018 TS của ông Võ Tuân, tàu không ra đánh bắt được nhưng vẫn trả tiền thuê thuyền viên trong một tháng rồi bắt Công ty đền bù là không hợp lý. Do vậy, Đại Nguyên Dương chỉ đồng ý hỗ trợ một số khoản như phí neo đậu (mỗi chủ tàu 5 triệu đồng), phí đi lại sữa chữa (5 triệu đồng), phí thuê thuyền viên (36 triệu đồng), phí thiết kế (25 triệu đồng), lãi ngân hàng chia sẻ 50% với ngư dân. Còn những khoản lớn còn lại công ty xin xem xét.

Giám đốc Công Ty TNHH Đại Nguyên Dương chỉ hỗ trợ cho ngư dân khoản tiền bèo bọt khiến ngư dân bức xúc.

Sau khi nghe, vị giám đốc Đại Nguyên Dương “trình bày”, các chủ tàu đều bức xúc cho rằng, Công ty Đại Nguyên Dương đền bù không thỏa đáng vì lỗi tàu hư hỏng nằm bờ là do Đại Nguyên Dương gây ra.

Trong khi đó, theo bảng kê yêu cầu Công ty Đại Nguyên Dương đền bù, hỗ trợ thì tàu cá của ông Võ Tuân yêu cầu bồi thường 900 triệu đồng, nhưng đơn vị này chỉ đồng ý trả hơn 60 triệu đồng. Hay tàu vỏ thép BĐ 99004 TS của ông Nguyễn Văn Lý (xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ), yêu cầu công ty đền bù số tiền gần 1,6 tỷ đồng, nhưng đơn vị này chỉ thống nhất trả 61 triệu đồng.

Ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương còn mạnh miệng cho rằng, việc các tàu hư hỏng không phải là lỗi của công ty mà do phía ngư dân.

“Khi chúng tôi nhận đóng tàu là tàu lưới vây, sau khi ngư dân nhận tàu, thấy không khai thác được nên tự ý chuyển qua tàu lưới chụp. Điều này chúng tôi hoàn toàn không biết và đây không phải là lỗi của công ty…”, Giám đốc Đại Nguyên Dương nói.

Tàu vỏ thép của ông Lý bị rỉ sét nghiêm trọng sau khi hạ thủy không lâu, trong khi phía Công ty Đại Nguyên Dương hỗ trợ đền bù không thỏa đáng.

Ngoài ra, vị giám đốc Đại Nguyên Dương còn nói, việc chậm trễ sửa chữa là do phía ngư dân không chịu hợp tác.

Hội luật gia lên “dây cót”, sẵn sàng trợ giúp ngư dân

Tại buổi làm việc, phía Công ty Đại Nguyên Dương xin được xem xét các khoản chi phí đền bù, hỗ trợ còn lại mà ngư dân đã nêu. Đồng thời, cam kết đến ngày 12/1 này sẽ có câu trả lời chính thức về vấn đề trên với Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định.

5 tàu vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng bị hư hỏng nằm bờ trước đó

Theo ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, hiện có 4/5 chủ tàu đồng ý ký vào văn bản thỏa thuận do phía Công ty TNHH Đại Nguyên Dương nêu ra là hỗ trợ những khoản như Công ty đã nêu ở trên. Đồng thời, xem xét lại những khoản khác để đi đến thống nhất chung.

Riêng chủ tàu Nguyễn Văn Lý thì không chịu ký vào bản thỏa thuận vì cho rằng, phía Công ty Đại Nguyên Dương hỗ trợ như thế là chưa thỏa đáng.

Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Kim Xuyên, đại diện Hội Luật gia Bình Định cho biết, nếu sau ngày 12/1, giữa hai bên không đi đến thống nhất thì Hội Luật gia Bình Định sẽ hướng dẫn các ngư dân làm thủ tục kiện Công ty này ra tòa trên cơ sở có đầy đủ chứng từ, căn cứ pháp lý.

Tác giả: Doãn Công

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP