Chia sẻ với báo giới ông Lê Nam Phong, Đội phó Đội Điều tra chống buôn lậu khu vực miền Trung, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan xác nhận có tình tiết cán bộ hải quan Chi cục hải quan tỉnh Bình Thuận khai nhận số tiền trên và sau đó toàn bộ sổ sách liên quan đã được giao nộp cho cơ quan công an.
Cán bộ hải quan "tiếp tay" nhập lậu xăng dầu lớn nhất nước
Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (Viện KSNDTC) vừa ra cáo trạng, truy tố 12 bị can trong đường dây buôn lậu xăng dầu trị giá lên đến hơn 2.000 tỷ đồng xảy ra ở Cty CP Dương Đông Hòa Phú (Bình Thuận).
Ông Lê Nam Phong, Đội phó Đội Điều tra chống buôn lậu khu vực miền Trung, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan |
Trong danh sách các bị cáo, có hai cán bộ hải quan thuộc Chi cục Hải quan Bình Thuận bị truy tố với tội danh: Đinh Hữu Thùy tội Nhận hối lộ, Lê Văn Vinh tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo hồ sơ của Cục Điều tra chống buôn lậu, lợi dụng tư cách pháp nhân của Công ty CP Dương Đông Hòa Phú đơn vị đầu mối nhập khẩu xăng dầu, từ tháng 7/2015 đến tháng 11/2015, Luyện Xuân Tràng và các đối tượng tổ chức buôn lậu xăng dầu bằng thủ đoạn: Thuê tàu nước ngoài có trọng tải trên 10.000 tấn chở xăng, dầu mua từ Singapore chạy về cảng Hòa Phú để bơm lên các bồn chứa.
Khi làm thủ tục nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Bình Thuận các đối tượng chỉ khai báo trên tờ khai hải quan khoảng từ 2.000 tấn đến 3.000 tấn, số lượng còn lại (trên 7.000 đến 8.000 tấn dầu) không khai báo, sau đó bơm thẳng vào bể chứa của doanh nghiệp.
Cầm đầu đường dây buôn lậu xăng dầu quy mô lớn, công khai là Luyện Xuân Tràng (quê Hưng Yên), Nguyễn Đức Mạnh (quê Quảng Ninh), Đinh Quốc Đức (Hải Dương) và Nguyễn Thị Minh Nguyệt (Hà Nội).
Đây là chuyên án đặc biệt do lực lượng chống buôn lậu của Hải quan, phối hợp với C46 của Bộ Công an chủ động phối hợp và trực tiếp phá án thành công.
Ông Lê Nam Phong kể lại: Khoảng 24 giờ 20 phút, ngày 29/1/2016, lực lượng lên tàu BTS CHRISTINA khống chế toàn bộ thuyền viên và bắt quả tang tàu đang bơm xăng trái phép vào kho của Công ty Dương Đông Hòa Phú. Kết quả hai mũi thuộc Ban chuyên án XD116 đã bắt giữ tổng số lượng xăng A92 không pha chì (RON 92) hơn 9.000 tấn, tổng giá trị lô hàng hơn 202 tỷ đồng.
Làm rõ đường dây lót tay giá 12 triệu đồng và trách nhiệm người đứng đầu
Theo ông Phong, ngay tại nơi xảy ra sự việc nhập lậu xăng dầu, sự có mặt của cán bộ hải quan Đinh Hữu Thùy là bất thường, ông này kể: “Thông thường việc kiểm hóa của cán bộ hải quan sẽ xong trước 12 giờ đêm nhưng không hiểu cán bộ kiểm hoá của hải quan Đinh Hữu Thùy vẫn ở kho xăng. Khi tổ công tác yêu cầu tất cả mọi người điểm danh, Đinh Hữu Thùy giơ tay lên bảo tôi là cán bộ hải quan, sau đó anh này nói lý do buồn ngủ quá nên nằm lại”.
Theo lời khai của Thuỳ và lời kể của ông Lê Nam Phong, mỗi lần cho các đối tượng nhập lậu xăng dầu vào Việt Nam, Thuỳ nhận lót tay 12 triệu đồng được gọi là tiền “bồi dưỡng”, Thùy sau đó giữ lại 3 triệu đồng, chia cho Vinh 3 triệu đồng. Số tiền còn lại cán bộ hải quan này nộp về Đội nghiệp vụ thuộc Chi cục hải quan Bình Thuận.
Được biết hiện toàn bộ cuốn sổ ghi chép của đơn vị nói trên và cá nhân đã được nộp lại cho cơ quan công an, phục vụ điều tra.
Theo cáo trạng của Viện KSNDTC, trong vụ án này các ông Võ Văn Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Bình Thuận, ông Tạ Hùng Dũng, Phó chi cục trưởng và ông Lưu Trọng Vũ, Đội trưởng đội nghiệp vụ chỉ được xác định thiếu kiểm tra sâu sát đối với cấp dưới.
Theo ông Phong, hiện các lãnh đạo của Chi cục hải quan tỉnh Thuận vẫn làm việc bình thường. Trong khi đó, dư luận đang mong chờ Tổng cục Hải quan sớm làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cũng như làm rõ việc có hay không hệ thống, đường dây lót tay, ăn chia,bảo kê của hải quan.
Tác giả: Nguyễn Tuyền
Nguồn tin: Báo Dân trí