Kinh tế

Cán bộ thuế "vòi" tiền, hải quan nhận "lót tay": Bộ Tài chính quyết siết kỷ cương

Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định, sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác phòng chống tham nhũng, đẩy lùi được tệ nạn nhũng nhiễu, tiêu cực của một số công chức, viên chức, người lao động trong ngành tài chính, không để tình trạng “một con sâu làm rầu nồi canh".

Ông Phạm Đức Thắng - Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Tài chính.

Liên quan tới 2 vụ việc tiêu cực trong thực thi công vụ của công chức Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh và công chức Chi cục Hải quan cảng Đình Vũ - Cục Hải quan Hải Phòng, ông Phạm Đức Thắng - Quyền Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Tài chính cho biết, ngay khi báo chí đưa tin, Bộ Tài chính cũng như các Tổng cục đã triển khai ngay các biện pháp để xử lý đối với các công chức vi phạm.

Cụ thể, đối với trường hợp Phó Phòng Tuyên truyền hỗ trợ - Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định đình chỉ công tác từ ngày 5/4/2018, tức chỉ sau một ngày khi phát hiện sự việc.

Đối với vụ việc tại Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Đình Vũ - Hải Phòng, sau khi có thông tin vào sáng 9/4, chiều 9/4, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thông báo ý kiến của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng yêu cầu khẩn trương làm rõ nội dung báo chí phản ánh, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có vi phạm theo đúng quy định, báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính trước 9 giờ ngày 10/4/2018.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thuộc hệ thống Hải quan thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm của cán bộ công chức, kiên quyết đưa ra khỏi ngành các công chức thoái hóa, biến chất, tiêu cực, vi phạm kỷ luật. Ngay trong ngày 9/4, Tổng cục Hải quan có văn bản yêu cầu và Cục Hải quan TP. Hải Phòng đã có quyết định tạm đình chỉ ngay các công chức hải quan có liên quan, đồng thời đề nghị làm rõ, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, tập thể và cá nhân có sai phạm.

"Việc đình chỉ công tác chỉ là bước đầu để có thời gian kiểm tra, xem xét, làm rõ. Sau khi xác định rõ mức độ vi phạm thì mới có quyết định về hình thức kỷ luật trên tinh thần xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của Đảng, Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với công chức", ông Thắng nói.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng phân trần thêm, Bộ Tài chính là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, được Chính phủ giao quản lý nhà nước về tài chính – ngân sách và nhiều lĩnh vực quan trọng khác của nền kinh tế, trong đó có những lĩnh vực nhạy cảm như thuế, hải quan, có sự tiếp xúc trực tiếp giữa công chức với người dân, doanh nghiệp. Với cơ cấu tổ chức gần 10.000 đầu mối đơn vị từ trung ương đến các địa phương, số lượng công chức, viên chức và người lao động lớn, trên 70.000 người.

"Ngoài những việc báo chí, người dân, doanh nghiệp phản ánh, hàng năm chúng tôi đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ. Qua thanh tra, kiểm tra từ năm 2014 đến 12/2017 toàn ngành đã xử lý kỷ luật hơn 1.200 trường hợp, trong đó đáng chú ý là hình thức buộc thôi việc 99 trường hợp, cách chức 32 trường hợp và giáng chức 6 trường hợp", ông Thắng cho biết.

Ông Thắng cũng khẳng định, với những vụ việc khi báo chí, người dân, doanh nghiệp có phản ánh, thông tin về việc công chức trong ngành có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, Bộ Tài chính đã nhanh chóng, kịp thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân để xác minh thông tin, xác định cụ thể công chức có hành vi tiêu cực. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng kiên quyết chỉ đạo xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ thoái hóa, biến chất, tiêu cực.

"Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác phòng chống tham nhũng, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác cán bộ để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, ngăn chặn, đẩy lùi được tệ nạn nhũng nhiễu, tiêu cực của một số công chức, viên chức, người lao động trong ngành tài chính, không để tình trạng “một con sâu làm rầu nồi canh”", ông nhấn mạnh.

Tác giả: Phương Dung

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP