Từ bất ngờ đến bức xúc, dư luận đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Hà Giang.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD-ĐT) và lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang tại cuộc họp báo làm rõ sai phạm trong thi cử tại Hà Giang. |
Bởi nếu vụ việc này trót lọt không chỉ gây mất công bằng trong thi cử mà còn góp phần tạo nên một thế hệ con trẻ trưởng thành từ gian dối mà ở đó bố mẹ chính là những kẻ tòng phạm.
Nguyễn Văn A. (tên nhân vật đã được thay đổi - PV) là một trong những thí sinh có điểm thi THPT Quốc gia cao nhất của Hà Giang, trong đó môn Tiếng Anh đạt 9,4 điểm, Toán 9 điểm và Vật Lý là 9,5.
Thế nhưng, sau khi kiểm tra, rà soát của Bộ GD-ĐT, điểm số này của thí sinh này đã tụt xuống thảm hại và đang đứng trước nguy cơ không đỗ bất cứ một trường Đại học nào.
Chia sẻ về nghi án liệu có chạy điểm cho con mình hay không, phụ huynh của em Nguyễn Văn A cho biết: “Tôi đi làm suốt ngày, không quen ai, kể cả giáo viên cũng không biết ai, sao lại phải chạy. Mình cứ phải bình chân như vại, không phải suy nghĩ đắn đo cái gì cả, thực tế con mình học như thế nào, trường biết. Cái chuyện của Hà Giang phức tạp lắm, cứ hay xuyên tạc linh tinh…”.
Mặc dù kết quả thanh tra, rà soát của Bộ GD-ĐT đã trả điểm của con trai ông về con số thực nhưng vị phụ huynh này vẫn tỏ ra tự tin: “Không, tôi thấy bình thường. Bởi, có những cái thật của con mình. Mình cũng không lo sợ ai tìm đến chỗ mình chạy vì nói thực mình không biết ai cả, không biết đường làm sao chạy chọt được…”.
Trước khi diễn ra cuộc thanh tra, rà soát của Bộ GD-ĐT, thí sinh Nguyễn Văn A dự định nộp hồ sơ vào Học viện Cảnh sát nhân dân, và với tổng điểm có được, cánh cửa của một trường Đại học danh giá, khó vào nhất đã mở toang. Tuy nhiên, khi điểm số được trả lại đúng con số thực, thí sinh này không thể đỗ vào trường Đại học nào.
Ông Hà Mí De - Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Hà Giang cho biết, ông rất sốc với kết quả thanh tra của Bộ GD-ĐT vừa được công bố. “Tin này như sét đánh vậy. Bởi tôi cũng từng làm giáo dục, làm Giám đốc Sở, làm giám khảo, chấm thi, chưa bao giờ tôi nghĩ tới việc tày trời như vậy, mất đạo đức nhà giáo. Phải nói là nỗi đau không nói được đối với ngành giáo dục Hà Giang, đối với những người tâm huyết với giáo dục thế hệ trẻ”.
Phía sau câu chuyện nâng điểm khống cho hàng trăm thí sinh ở Hà Giang, ông Hà Mí De, người dành nhiều tâm huyết cho giáo dục vùng cao cho rằng, chính người lớn, bậc làm cha làm mẹ và những người cầm cân nẩy mực đã “giết chết” chính con em của mình.
“Phải trị đến nơi đến chốn những người nào cố tình làm sai để có thể minh oan cho những em học sinh học tốt. Và cũng là minh oan cho những em học sinh học kém. Học sinh kém phải được xác nhận là kém, không thể để tình trạng người kém cũng như người giỏi, học thật cũng như học giả và như vậy chính người lớn, người chịu trách nhiệm đã làm hỏng các em”, ông Hà Mí De chia sẻ.
Anh Trần Trung Hiếu, giáo viên Sử, trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An, người theo dõi sát sao vụ việc Hà Giang cho rằng, nếu vụ nâng điểm khống ở một địa phương còn là vùng trũng trong giáo dục không được làm sáng tỏ, rất có thể trong thời gian tới, xã hội sẽ có một thế hệ những người dối trá, trưởng thành từ sự gian lận trong thi cử.
“Nếu như không phát hiện ra thực sự là một điều nguy hại sẽ tạo ra nhiều mẻ sản phẩm kém chất lượng ở bậc Đại học và mẻ đó khi ra cuộc đời, khi làm việc nó sẽ phản ánh một hệ lụy cho sự gian dối. Gian dối trong thi cử sẽ dẫn đến gian dối trong làm việc và khi đó cái giá mà xã hội phải trả là rất lớn”, anh Trần Trung Hiếu nói.
Anh Trần Trung Hiếu cũng cho rằng, vụ việc ở Hà Giang cần phải làm tới cùng trong đó phải làm rõ có hay không hành vi mua điểm của phụ huynh.
“Những người đồng phạm, tòng phạm là các bậc phụ huynh, họ chủ yếu là những người có chức, có quyền, có tiền để làm được việc đó còn những người nông dân họ lấy đâu ra…bố mẹ dùng tiền để chạy chọt và sẽ rèn luyện cho con sự gian dối trong học tập, thi cử, làm việc”, anh Trần Trung Hiếu nhận định.
Trả lời báo giới, nếu điều tra sự dính líu của phụ huynh trong việc nâng khống điểm cho thí sinh, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhấn mạnh: “Có hay không bố mẹ mua điểm cho con hay bất kỳ vấn đề nào khác, chúng ta vẫn phải chờ đợi cơ quan điều tra…Tất cả các thí sinh, con em đều là công dân Việt Nam, đều phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Vậy nên, nếu phát hiện cá nhân nào vi phạm, sẽ căn cứ theo mức độ để xử phạt theo đúng quy định".
Từ trên đỉnh vinh quang, là ngôi sao sáng khi đạt được điểm số cao ngất ngưởng nhưng khi điểm “ảo” đó được trả về con số thực chắc chắn nhiều em học sinh sẽ cảm thấy “sốc”, xấu hổ khi điểm số rất có thể đã được mua bằng tiền. Các em sẽ đối diện thế nào trước bạn bè, thầy cô và dư luận? Không ai khác, chính sai phạm của người lớn, của cha mẹ đã “giết chết” con trẻ./.
Tác giả: Bá Duy-Quyết Thắng
Nguồn tin: BÁO ĐIỆN TỬ VOV