Cuộc sống

"Vợ tôi muốn ly hôn chỉ vì thấy chồng bênh vực mẹ và em gái"

Từ ngày chưa cưới nhau tôi đã nói với vợ của mình rằng: "Bố anh mất sớm, anh là con trai lớn trong nhà, cũng là trụ cột cho mẹ và em gái anh. Nếu em làm vợ anh, hãy coi mẹ anh và em gái anh như ruột thịt của mình. Với anh, không có gì quan trọng hơn gia đình hết". Tôi nhớ ngày đó vợ tôi đã rất cảm động khi nghe tôi nói thế. Vậy mà...

Cưới nhau chưa được bao năm, cô ấy đã trở thành một con người khác, đầy tính toán và ích kỉ.

vợ chồng

Sau khi cưới nhau, vì nhà cửa chật chội, vợ chồng tôi ra ngoài thuê trọ ở, cuối tuần mới về chơi với mẹ và em. Lúc đầu vợ tôi cũng không vui lắm vì chúng tôi tay trắng, ra ngoài ở, sắm sanh đủ thứ sẽ rất chật vật. Nhưng tôi hiểu phụ nữ khi lấy chồng sợ nhất là cảnh làm dâu. Tôi sợ sống chung, mọi người không hòa hợp sẽ có những bất đồng. Nghe vậy, vợ tôi rồi cũng xuôi xuôi. Thực chất là vì tôi thấy mẹ vất vả nhiều rồi, tôi không muốn nhà thêm người lại thêm việc thêm phiền nhiễu.

Nhờ chăm chỉ làm lụng, biết cách ăn tiêu tích cóp rồi mượn thêm tiền anh em bên ngoại, chúng tôi mua được mảnh đất nhỏ, mấy năm sau thì trả được nợ và làm được nhà. Đó cũng là lúc em gái tôi đến tuổi lấy chồng. Nó lấy chồng quê ở tỉnh lẻ, sau cưới cũng phải thuê nhà. Tôi bàn với mẹ và em gái, nhà mẹ để nhường cho vợ chồng cô ở, còn mẹ thì sang ở với chúng tôi. Bàn tới bàn lui, cả mẹ và vợ chồng cô đều thấy thế là hợp lý, vui vẻ.

Khi biết chuyện, vợ tôi tỏ thái độ phẫn nộ. Cô ấy nói, nhà là của hai vợ chồng, nếu muốn đón mẹ về nhà ở thì tôi phải bàn bạc với cô ấy. Rôi cô ấy ấm ức kể ngày chúng tôi làm nhà, anh em nhà ngoại biết chúng tôi khó khăn đều tình nguyện mỗi người cho vay một ít, kể cả ông bà ngoại cũng cắm sổ đỏ cho chúng tôi mượn tiền, còn mẹ chồng than vãn không có đồng nào để cho nhưng cưới em gái thì cho cô ấy hẳn một cây vàng. Hơn nữa, mấy năm trước, tôi viện cớ sợ mẹ chồng nàng dâu mâu thuẫn để ra ngoài thuê trọ dù kinh tế vô cùng khó khăn, sao bây giờ lại muốn cô ấy cùng chung sống với mẹ. Từ đó cô ấy cho rằng tôi chỉ thương em gái, lo em rể ngại cảnh "chó chui gầm chạn" nên mới rước mẹ về nhà để đẩy cái khó cho cô ấy.

Thú thật, tính tôi vốn ôn hòa, nhưng nay nghe lý lẽ của vợ khiến tôi thực sự nổi khùng. Tôi nói vợ chồng cô không có chỗ ở thì cứ để vợ chồng cô sống ở đó, chăm sóc mẹ là trách nhiệm của con trai và con dâu. Chẳng lẽ con trai có nhà cao cửa rộng mà lại để mẹ sống với con gái và con rể trong ngôi nhà cũ, như vậy, em rể nó nghĩ gì về anh chị? Còn những chuyện khác cô ấy cũng đừng so đo tính toán quá mất hay.

Tôi tưởng nói thế là vợ tôi đã thông rồi. Ai dè hôm chúng tôi về nhà mẹ để nói mẹ dọn sang nhà, vợ tôi lại khiến tôi một phen sửng sốt. Cô ấy nói: "Con trai con gái gì thì cũng là con, việc chăm sóc phụng dưỡng mẹ già không phải là trách nhiệm của riêng ai cả. Tuy nhiên nếu mẹ muốn về ở với chúng con thì chúng con sẵn lòng. Chỉ có điều, tiền bạc phân minh, đất đai nhà cửa cũng vậy. Luôn tiện đây con muốn mẹ nói rõ, nếu mẹ về ở với vợ chồng con thì ngôi nhà sau này mẹ định sẽ như thế nào. Nếu cho vợ chồng con thì coi như chúng con cho vợ chồng cô mượn ở. Còn nếu cho cả hai thì hoặc là bán đi, hoặc là nhà cô định giá trả chúng con một nửa tiền. Còn nếu mẹ cho cô thì thôi con không ý kiến nữa. Tính con thẳng, muốn mọi chuyện rõ ràng kẻo sau này lôi thôi lắm chuyện".

Cả mẹ tôi, cả em gái tôi đều ngơ người trước những gì vợ tôi nói. Còn tôi tất nhiên "cạn lời" trước hành xử của cô ấy. Làm sao một cô con dâu có thể đứng trước mặt mẹ chồng, chồng và em chồng rạch ròi mọi thứ y hệt một con buôn có nghề như vậy. Chưa gì cô ấy đã sợ thiệt thòi. Cô ấy sợ nếu không nói sớm, cứ để cho vợ chồng cô ở ngôi nhà đó, sau này mẹ mất không cở sở nào mà phân chia. Tôi thực sợ thấy sợ sự tính toán quá sâu xa của cô ấy.

Nếu trong tình cảnh đó mà tôi không tức giận thì thật không đáng mặt thằng đàn ông. Tôi quát thẳng vào mặt vợ: "Em vừa vừa phải phải thôi, chưa gì đã tính chuyện xa xôi như thế. Nhà mình có nhà rồi, đòi thêm nhà nữa để bỏ hoang à, cứ để vợ chồng cô sống ở đó, chúng nó khó khăn chẳng lẽ bắt chúng đi thuê trọ. Còn sau này cho ai là quyền của mẹ, không đến lượt em ý kiến".

Thường thường, mỗi khi tôi nổi nóng là vợ tôi sẽ im lặng, nhưng hôm nay thì không. Cô ấy nói tôi chỉ nghĩ cho mẹ, cho em mà không để ý đến tâm trạng của cô ấy. Riêng việc cả nhà bàn bạc để mẹ dọn về nhà tôi ở mà không cho cô ấy biết cũng là không tôn trọng, là coi thường cô ấy.

Có lẽ vì quá thất vọng về con dâu nên mẹ tôi chỉ ngồi im lặng không nói gì còn em gái tôi thì khóc. Nó bảo nếu chị dâu nói vậy thôi thì vợ chồng nó sẽ thuê nhà ở trọ, không ở nhờ nhà mẹ nữa. Thấy em như vậy, tôi thực sự rất xót. Tôi bảo còn có tôi đây, đừng để ý những gì chị dâu nói.

Vợ tôi xem chừng cũng chưa hiểu ra, vẫn cố chấp nói: "Anh lúc nào cũng mẹ anh, em anh mà không coi em ra gì. Lúc nào cũng nói em phải coi người nhà anh như người nhà mình nhưng anh thì lại cư xử với vợ không khác gì người ngoài cả".

"So với mẹ và em gái tôi thì cô đúng là người dưng còn gì. Cô không thương xót gì nó cả, chỉ vì nó là em tôi. Vậy thì tôi cũng vậy đấy!" - Thực ra thì vì nóng nảy nên tôi mới nói vậy thôi chứ tôi tuyệt nhiên không hề có ý nói vợ là người dưng nước lã. Nhưng vợ tôi thì vin vào cớ đó, đùng đùng giận dỗi suốt một tuần vừa rồi. Cô ấy bảo cứ đà này chắc chúng tôi không thể sống chung lâu dài được, cô ấy giải phóng cho tôi để tôi toàn tâm toàn ý lo cho mẹ và em.

Có ai vô lý như vợ tôi không chứ. Vẫn biết chẳng có nàng dâu nào thực sự thương mẹ chồng em chồng nhưng ít nhất không "bằng lòng" thì cũng nên "bằng mặt", đằng này cô ấy ích kỉ tính toán như người dưng, làm xấu cả mặt chồng.

Tôi thật sự không biết có nên đón mẹ về nhà mình ở không. Kiểu như thế này chắc việc sống chung cũng không thoải mái. Mà để mẹ ở với vợ chồng em gái thì tôi đúng là thằng con trai vô tích sự. Người ta nói "Dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng". Tôi không biết phải nói đạo lý kiểu gì cho vợ tôi hiểu nữa.

Tác giả: T. Hùng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP