Giáo dục

Vĩnh Phúc: Bổ nhiệm nhiều Phó hiệu trưởng sai quy định

Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc vừa phát hiện UBND huyện Sông Lô bổ nhiệm 7 Phó hiệu trưởng các trường trên địa bàn chưa có chứng chỉ trung cấp lý luận chính trị - hành chính, không trong quy hoạch; trong đó 5 Phó hiệu trưởng nhưng chưa được hưởng phụ cấp chức vụ.

Trụ sở UBND huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc).

Nguồn tin của Dân trí cho biết, ông Nguyễn Văn Bắc - Chánh Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc vừa ký kết luận thanh tra trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND huyện Sông Lô trong việc thực hiện quy định pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, phòng chống tham nhũng và đầu tư xây dựng công trình thời kỳ 2014-2016.

Theo đó, Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc đã nhận được thông tin phản ánh về một số sai phạm trong việc bổ nhiệm cán bộ tại Phòng GD-ĐT huyện Sông Lô tạo dư luận không tốt trong cán bộ và nhân dân.

Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Sông Lô báo cáo và cung cấp tài liệu liên quan. Qua nghiên cứu hồ sơ tài liệu cho thấy, từ năm 2009 đến năm 2016 Phòng GD-ĐT huyện này đã tham mưu cho UBND huyện trưng tập 12 giáo viên thuộc một số trường trong huyện để biệt phái làm việc tại Phòng GD-ĐT huyện nhưng chưa xử lý dứt điểm về chế độ theo quy định, còn để một trường có 2 cán bộ được hưởng phụ cấp chức vụ Hiệu trưởng.

Đặc biệt, huyện Sông Lô đã bổ nhiệm 7 Phó hiệu trưởng năm 2016 chưa quy định chặt chẽ về tiêu chí như: Có trường hợp chưa có chứng chỉ trung cấp lý luận chính trị- hành chính, không trong quy hoạch. Trong đó, bổ nhiệm 5 Phó hiệu trưởng nhưng chưa được hưởng phụ cấp chức vụ.

“Trách nhiệm chính thuộc Trưởng phòng GD-ĐT và Trưởng phòng Nội vụ huyện trong công tác tham mưu giúp Chủ tịch UBND huyện Sông Lô về công tác bổ nhiệm cán bộ”- kết luận thanh tra nêu rõ.

Hợp thức hoá sai phạm

Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định Phòng Nội vụ và Phòng GD-ĐT huyện Sông Lô chưa chủ động tham mưu Chủ tịch UBND huyện ban hành văn bản cụ thể hoá các quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí bổ nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường THCS, tiểu học, mầm non trên địa bàn như quy hoạch, trình độ lý luận chính trị,.. Việc bổ nhiệm cán bộ có phần nóng vội.

Cơ quan thanh tra đã yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Sông Lô căn cứ tính chất mức độ sai phạm để chỉ đạo tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan để có hình thức xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật liên quan đến sai phạm trên. Đồng thời tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và lý luận cho đội ngũ cán bộ ngành giáo dục huyện và bố trí cho 5 cán bộ trên được hưởng phụ cấp chức vụ theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Thái Mai, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Sông Lô thừa nhận: “Phải tới tháng 5-7/2018 mới giải quyết được chế độ cho một số Hiệu phó đã được bổ nhiệm thừa trong thời gian qua, bởi khi đó mới có một số người nghỉ hưu. Bây giờ thì chưa có ai nghỉ cả” - ông Mai nói.

Trả lời câu hỏi về việc có xem xét trách nhiệm cá nhân của ông Đỗ Ngọc Cơ - Phó chủ tịch UBND huyện Sông Lô (thời điểm đó phụ trách Phòng GD-ĐT), ông Trần Thái Mai nói đến nay chưa có kết luận cuối cùng. UBND huyện Sông Lô đang tổng hợp, báo cáo kiểm điểm trách nhiệm cá nhân của những người liên quan để báo cáo Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo ông Trần Thái Mai, Đề án 01 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc quy định mỗi huyện chỉ có 2 phó chủ tịch. Chính vì thế, ông Đỗ Ngọc Cơ mới đây đã có đơn xin nghỉ hưu sớm.

Trước đó, Dân trí liên tục phản ánh về câu chuyện Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc có 45 công chức đang được trả lương thì có tới 38 người giữ vị trí lãnh đạo sở, lãnh đạo các phòng ban. Tại Phòng GD-ĐT huyện Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) chỉ có 18 người nhưng bình quân mỗi năm sử dụng ngân sách để chi thường xuyên với số tiền lên tới 4-5 tỷ đồng; nhiều khoản duyệt chi mua văn phòng phẩm, sửa máy photocopy rất khó hiểu. Nhiều phó hiệu trưởng trên địa bàn được bổ nhiệm hơn 1 năm nay nhưng vẫn không được hưởng lương, chế độ quản lý, lãnh đạo và vẫn phải lên lớp giảng dạy với các chế độ như giáo viên bình thường trước đây.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP