Vietnam Airlines lên sàn HNX cuối năm 2016 với giá tham chiếu 28.000 đồng một cổ phiếu HVN. Ở phiên giao dịch sáng 10/5, cổ phiếu HVN giao dịch ở mức 38.300 đồng. Trong khi đó, cổ đông cho rằng cổ phiếu của hãng hàng không khác đã xấp xỉ 200.000 đồng, gấp 5 lần HVN.
Do đó, tại Đại hội cổ đông Tổng công ty Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã CK: HVN) diễn ra ngày 10/5, nhiều cổ đông đặt câu hỏi về việc lợi ích họ nhận được từ việc tăng giá cổ phiếu thấp hơn nhiều lần so với một hãng hàng không giá rẻ nội địa.
Với câu hỏi này, ông Trần Thanh Hiền, Giám đốc Tài chính Vietnam Airlines cho biết các chỉ số hoạt động tài chính của doanh nghiệp đều đảm bảo mức tăng tốt, nhiều chỉ số vượt mức tăng trưởng chung của toàn ngành.
Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines đang phát biểu tại đại hội. Ảnh: Anh Tú |
Theo ông, vốn hóa thị trường của Vietnam Airlines đang tương đương với hãng hàng không lớn của Đài Loan, hàng không quốc gia Philippines và cao hơn các hãng ThaiAirways.
Ông cũng cho biết, các chỉ số tài chính được cải thiện rất đáng kể trong thời gian qua. Chỉ tiêu tổng tài sản có giảm nhưng nguyên nhân là hãng không tiếp tục đầu tư đội tàu bay mà thông qua các kênh cho thuê lại để tăng dòng tiền và thanh toán một số khoản nợ.
Theo Giám đốc tài chính HVN, đến cuối năm 2018, hãng đặt mục tiêu đưa hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu chỉ giảm còn 2,6-2,7 lần. Trong tương lai gần, hệ số nợ giảm xuống dưới 2, để đảm bảo mục tiêu cân đối, an toàn. Vì thế, ông nhấn mạnh, chỉ tiêu tổng tài sản giảm nhưng không ảnh hưởng đến kế hoạch tăng trưởng kinh doanh của hãng.
“Các chỉ số đều rất tốt, hoạt động kinh doanh và các chỉ tiêu vẫn ở mức cao. Có thể nói, chúng tôi đang cung ứng sản phẩm ra thị trường rất tốt và rất sạch. Tuy nhiên, giá thị trường là do đánh giá của thị trường. Bản thân việc biến động giá cổ phiếu đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố”, ông Hiền lý giải.
Với việc ra đời của một số hãng hàng không giá rẻ, áp lực cạnh tranh cũng được cổ đông Vietnam Airlines đưa ra.
Thừa nhận tăng trưởng mạnh nhưng ông Dương Trí Thành - Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho rằng không cần quá lo ngại khi có thêm một hãng hàng không mới bởi việc này là bình thường và mỗi hãng có chiến lược riêng.
Theo ông, hàng không giá rẻ phần lớn cấu trúc hành khách lấy từ đường bộ, không ảnh hưởng đến thị phần của Vietnam Airlines. Ông cho rằng, trong một phạm vi cũng có phần quá tải của Tân Sơn Nhất, hiện các hãng có muốn tăng hơn nữa cũng không có dư địa. Chưa kể, theo lãnh đạo Vietnam Airlines, ở một số quốc gia láng giềng, không ít hàng không giá rẻ chỉ khoảng 15-20 chiếc tàu bay một hãng.
Trong khi đó, Vietnam Airlines theo đuổi chiến lược kép, với dải sản phẩm dịch vụ đa dạng gồm Vietnam Airlines là hãng hàng không thuộc phân khúc 4 sao, Jetstar thuộc phân khúc giá rẻ, Vasco gồm những đường bay thuộc thị trường ngách đi Điện Biên, Côn Đảo... Chiến lược của Vietnam Airlines, theo CEO này, là tăng doanh thu nhưng trên cơ sở tăng chất lượng dịch vụ, đúng giờ bay…, cùng với đó là đảm bảo các nhiệm vụ chính trị, xã hội bởi là hãng hàng không quốc gia.
Tại đại hội, cổ đông đã thông qua chủ trương chuyển sàn giao dịch cổ phiếu HVN sang niêm yết trên sàn HOSE trong năm nay, thời điểm cụ thể được ủy quyền cho Hội đồng quản trị.
Năm 2018, Vietnam Airlines đặt mục tiêu tổng sản lượng 24,3 triệu lượt khách, doanh thu hợp nhất hơn 97.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.400 tỷ. Trong quý I, hãng đạt lợi nhuận trước thuế 875 tỷ đồng. Năm 2018, kế hoạch tiền lương và thù lao cho HĐQT của Vietnam Airlines là 7,27 tỷ đồng, tương đương so với năm 2017.
Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Vietnam Airlines cũng lo ngại những biến động của giá dầu tăng có thể tạo áp lực lớn đến kết quả kinh doanh.
Tác giả: Nguyễn Hà - Anh Tú
Nguồn tin: Báo VnExpress